Việc dồn quá nhiều vốn cho một số doanh nghiệp lớn cũng có thể khiến ngân hàng rơi vào khó khăn thanh khoản, nếu doanh nghiệp này gặp sự cố. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cảnh báo xu hướng nhiều ngân hàng ngày càng lệ thuộc quá lớn vào tệp khách hàng doanh nghiệp lớn.
Dù NHNN không nêu rõ, song điều dễ đoán là, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản. Tại nhiều nhà băng, tín dụng bất động sản không chỉ thể hiện ở các khoản cho vay doanh nghiệp "khủng", mà còn cả những khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp kếch xù. Một số nhà băng cũng không giấu giếm cổ đông về việc dư nợ cho vay bất động sản chiếm tới hơn 70% tổng dư nợ và tập trung chủ yếu ở vài tập đoàn bất động sản lớn.
Chẳng hạn, tại ĐHĐCĐ năm 2021 vừa qua, Tổng giám đốc Techcombank - ông Jens Lottner, chia sẻ về chiến lược năm 2021 - 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào các nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất như cho vay mua nhà, CASA, quản lý tài sản và phát huy các thế mạnh như phân khúc khách hàng thu nhập cao, bất động sản, thanh toán…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc dồn quá nhiều vốn cho một số doanh nghiệp lớn cũng có thể khiến ngân hàng rơi vào khó khăn thanh khoản, nếu doanh nghiệp này gặp sự cố. Việc Vietnam Airlines hay các doanh nghiệp BOT ngập trong núi nợ hàng chục nghìn tỷ đồng là minh chứng rõ nét.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cảnh báo, chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một số khách hàng lớn như Masan, Vingroup sẽ mang lại những cơ hội phát triển đột phá cho Techcombank. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến cho ngân hàng gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn.
Hiện nay, NHNN đang xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, NHNN nên hướng về quan điểm tái cấu trúc: chất lượng tài sản là quan trọng nhất, chứ không phải là quy mô. Đây cũng là lý do nhiều quốc gia đang nhắm tới xu hướng phát triển các ngân hàng nhỏ nhưng chất lượng, gắn với hoạt động cho vay dân chúng, cho vay doanh nghiệp, chứ không phải các ngân hàng thiên về đầu tư, dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cơ quan quản lý cũng phải nâng dần chuẩn quản trị rủi ro với ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng minh bạch về quản trị, nâng cao tính độc lập của ban điều hành.
Thanh Hoa