Sáng nay (23/4/2024), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về sự việc khách hàng mất tiền tại MSB, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho hay, các khách hàng tham gia hoạt động của MSB luôn được ngân hàng đảm bảo quyền lợi. Sự việc vừa qua là do MSB chủ động phát hiện ra và đưa ra cơ quan công an để làm rõ. MSB luôn tôn trọng phán quyết của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nếu là khách hàng chân chính.
"Mất tiền trên hệ thống ngân hàng là không hề đơn giản. Nếu thực hiện đầy đủ các khâu kiểm tra, giám sát thì chúng ta có thể tránh được các rủi ro trong việc gửi tiền", ông Linh nói.
Chia sẻ về ảnh hưởng từ sự cố vừa qua đến hoạt động của ngân hàng, ông Linh cho biết, các khách hàng của MSB đều là khách hàng rất thông minh và có khả năng đánh giá thông tin. Vì vậy, số dư tiền gửi không bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo MSB khẳng định: "khi cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, các khách hàng sẽ được ngân hàng thanh toán đầy đủ mọi quyền lợi". |
“Số dư tiền gửi của Ngân hàng vào tháng 1/2024 là trên 58.000 tỷ đồng, tháng 2 là 60.000 tỷ đồng và gần đây nhất là 62.000 tỷ đồng. Các số liệu cho thấy, sự cố gần đây không ảnh hưởng đến hoạt động của MSB”, CEO TPBank chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho hay hàng năm, MSB trích ra hàng nghìn tỷ để dự phòng rủi ro cho các hoạt động, do đó, sự cố nêu trên không thể ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐQT MSB Nguyễn Hoàng An cho biết: Khi ngân hàng càng hiện đại, các đối tượng càng lợi dụng để chiếm quyền kiểm soát, chiếm tiền của khách hàng. "Không riêng MSB mà các ngân hàng nói chung, khi cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, các khách hàng sẽ được ngân hàng thanh toán đầy đủ mọi quyền lợi. Còn khi khách hàng cấu kết với nhân viên ngân hàng để lợi dụng kiếm tiền của ngân hàng, ngân hàng không những không có trách nhiệm mà thậm chí có thể khách hàng còn bị truy tố. Nếu lỗi của ngân hàng, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm”.
Theo ông An, sự cố vừa qua đã được MSB đưa ra công an, nếu vì cán bộ biến chất và quy trình thực hiện đúng thì khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ. Vụ việc đã được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái và đang đợi kết luận của cơ quan.
Về Kế hoạch bán FCCOM đang diễn ra thế nào?, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết: FCCOM đã được đổi tên thành TNEX Finance và MSB cùng với McKinsey đang xây dựng kế hoạch 6 tháng, 1 năm cho mô hình mới. Tuy nhiên, MSB vẫn để “mở” các kế hoạch trong các trường hợp nhà đầu tư muốn liên kết, tham gia TNEX Finance.
"Đang có 3 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hợp tác với FCCOM. MSB vẫn để mở các khả năng", ông Linh cho hay.
Đối với phương án tìm cổ đông chiến lược nước ngoài, Tổng giám đốc MSB cho biết, Ngân hàng vẫn để ngỏ phương án này trong năm 2024 bởi các cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp MSB quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh.
“Năm ngoái, chúng tôi đã làm việc với 2 tổ chức, trong đó có tổ chức đến từ Đức. Quy mô tài sản, vốn điều lệ của MSB hiện đã đáp ứng được yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, tiêu chuẩn Basel … nên không cần tăng vốn. Thay vào đó, ngân hàng muốn cổ đông nước ngoài mang lại giá trị về quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh, chuyển đổi số. Nếu có kế hoạch phát hành thì sẽ báo cáo chia sẻ chi tiết hơn cho cổ đông”, ông Linh cho hay.
Tại đại hội, HĐQT MSB trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178.200 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng ước đạt trên 5%. Cho vay khách hàng đạt 158.000 tỷ, tăng 4,7%. Tiền gửi đạt 138.000 tỷ, tăng 4,1%. Bên cạnh đó, MSB ghi nhận khoản lãi hơn 550 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, tương đương 54% lãi thuần hoạt động này trong cả năm 2023.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý I đạt trên 1.500 tỷ, tăng nhẹ so với năm ngoái. CIR giảm xuống 33%, NIM tổng thể 3,87%; CASA tăng 14,64% và chiếm 29% tổng tiền gửi, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Linh nhận định, tình hình khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài đến ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, với khả năng kiểm soát và tối ưu hóa nguồn vốn, MSB có thể đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2024. "Ngay trong quý II, ngân hàng có thể ghi nhận thêm 2 khoản thu bất thường khác, có giá trị khoảng 700 tỷ từ nợ đã được xử lý", ông Linh cho hay.
Huyền Anh