Phản ánh với báo chí, bà Nguyễn Thị Lân cho biết đã mở tài khoản tại MSB từ năm 2021 và đã gửi vào tổng cộng 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 12/10/2023, bà kiểm tra tài khoản thì thấy số tiền này đã bị “bốc hơi”.
Cụ thể, ngày 30/3/2021, bà Lân đến Hội sở chính của MSB ký hợp đồng mở tài khoản, số tài khoản: 03488019349999, chủ tài khoản tên Nguyễn Thị Lân. Thời gian sau, bà Lân tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đó.
Mỗi lần chuyển tiền, bà Lân đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản/Số dư tài khoản, trên giấy xác nhận đều có chữ ký của những người có thẩm quyền là các Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân (TTKHCN) hoặc Giám đốc chi nhánh ký và đóng dấu đỏ của Ngân hàng MSB (cụ thể gồm: ông Nguyễn Minh Hưng và ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc TTKHCN, bà Bùi Thị Hoài Anh – Giám đốc TTKHCN, giám đốc chi nhánh).
MSB đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng. |
Ngày 7/10/2023, bà Lân tiếp tục gửi một khoản tiền vào tài khoản, sau đó MSB có gửi cho bà giấy xác nhận Thông tin tài khoản/Số dư tài khoản số 432/CV/MSB chi nhánh Thanh Xuân đến thời điểm 10 giờ 8 phút ngày 7/10/2023 là 58.650.000.000 đồng. Từ sau ngày 7/10/2023, bà Lân không thực hiện giao dịch nào khác với MSB.
Ngày 12/10/2023, sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng, bà Lân vội vàng đến MSB yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở tài khoản đến nay, phát hiện trên tài khoản của mình chỉ còn 93.640 đồng, trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do bà Lân yêu cầu/thực hiện.
"Thời điểm phát hiện, tôi vô cùng bàng hoàng và bất ngờ vì bản thân không có bất cứ một hành động nào liên quan đến các giao dịch chuyển rút tiền và không ký bất kỳ một lệnh chuyển rút tiền nào tại MSB mà tại sao tiền trong tài khoản của mình lại mất toàn bộ", bà Lân chia sẻ.
Đáng chú ý, theo bà Lân, số tiền hơn 58 tỷ đồng không phải của một mình bà mà là còn của nhiều người thân khác trong gia đình và người quen. Việc tài khoản “bốc hơi” hàng chục tỷ đồng khiến bà rơi vào căng thẳng bế tắc nhiều tháng nay. Bà Lân bức xúc cho rằng, việc mình gửi tiền vào ngân hàng, khi xảy ra sự cố ngân hàng phải có trách nhiệm chứ không thể để sự việc kéo dài gây tổn hại tinh thần, sức khoẻ, kinh tế nghiêm trọng cho khách hàng.
Trước đó, cơ quan điều tra - Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với bà Bùi Thị Hoài Anh, sinh ngày 2/12/1984 - Giám đốc MSB, chi nhánh Thanh Xuân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Điều tra bước đầu cho thấy bà Bùi Thị Hoài Anh đã có hành vi lợi dụng chức vụ là Giám đốc chi nhánh của MSB tự ý rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Liên quan đến vụ việc này, Ngân hàng MSB cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, MSB đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB) và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
Hiện, vụ việc đã được Công an Thành phố Hà Nội thụ lý, khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra. MSB cho biết đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu.
"Chúng tôi đã thông tin phản hồi đến nhóm khách hàng có liên quan bằng văn bản, trừ các thông tin không được cung cấp cho báo chí do đang trong quá trình điều tra căn cứ theo Khoản 03 Điều 38 Cung cấp thông tin cho báo chí, Mục 02 Thông tin trên báo chí, Luật Báo chí năm 2016 quy định “3. Đối với vụ án đang trong quá trình Điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Chúng tôi sẽ tôn trọng kết luận và phán quyết cuối cùng của cơ quan chức năng có thẩm quyền", MSB nêu.
Đại diện ngân hàng cũng đề nghị khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính cần lưu ý một số nội dung quan trọng:
Thứ nhất, chỉ ký xác nhận trên mẫu Hợp đồng mở tài khoản, mở thẻ khi thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin của chính mình (Căn cước công dân, số điện thoại, thư điện tử…).
Thứ hai, kích hoạt, quản lý tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính mình, không cung cấp các thông tin về tài khoản, nhờ người khác sử dụng thiết bị để đăng nhập vào tài khoản .…
Được biết, hiện MSB đang có hơn 5,4 triệu khách hàng cá nhân và gần 100.000 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia cho rằng chức năng quan trọng nhất mà pháp luật trao quyền cho nhà băng đó là "nhận giữ tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân". Ngân hàng hưởng lợi từ huy động tiền gửi và cho vay, vậy bảo toàn tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng thông qua sổ tiết kiệm hoặc chứng thư có giá trị tương đương. Do vậy, ngân hàng phải chịu trách nhiệm khi khách hàng "bỗng dưng" mất tiền trong tài khoản mà không liên quan đến nguyên nhân xuất phát từ khách hàng, chứ không thể vô can.
Theo chuyên gia này, trong một số vụ việc cụ thể mà ngân hàng có một phần lỗi thì thay vì từ chối bồi thường, ngân hàng nên có cách ứng xử tốt hơn, bằng cách xem xét đền bù một phần hoặc đầy đủ số tiền bị mất, đồng thời đưa ra biện pháp "bịt" lỗ hổng bảo mật, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ, đạo đức cán bộ, nhân viên làm mọi cách để giữ vững uy tín, tạo lòng tin và giữ chân được khách hàng. "Nếu xử lý không khéo, đẩy phần thiệt cho khách hàng thì nguy cơ người dân quay lưng với ngân hàng là rất cao", chuyên gia này nói.
Thanh Hoa