Cho vay mới ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,6% (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tổng dư nợ tín dụng hiện ở mức hơn 8 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ mức 1,3% cuối tháng 3 đã giảm về mức 0,8%.
Tín dụng tăng trưởng âm 0,5%
Theo ông Hùng, hấp thụ vốn đối với nền kinh tế có chiều hướng giảm do doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn để trả nợ, khi nào có nhu cầu mới vay tiếp.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3, tăng trưởng tín dụng đạt 1,3%, nhưng đến ngày 10/4 giảm xuống 0,8%, Như vậy, tăng trưởng tín dụng âm 0,5%. Con số này sụt giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).
Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho hay, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện nay, những doanh nghiệp vay mới chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,3%, công nghiệp xây dựng tăng 1% và các khoản vay đối với mặt hàng tiêu dùng phục vụ thiết yếu trong nước, phục vụ thiết bị y tế tăng. Trong khi đó, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và các ngành nghề khác giảm, kể cả cho vay tiêu dùng cũng giảm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm hơn 0,6%.
“Điều đó cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng nề cho nền kinh tế”, ông Hùng nói.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Ts. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay, lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sút giảm.
“Hiện, các ngân hàng cam kết cho vay tới 600.000 tỷ đồng, không chỉ còn ở mức 300.000 tỷ đồng như trước. Vấn đề hiện nay không phải là lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Thực tế, ngân hàng đã giảm sâu lãi suất nhưng tín dụng cũng không tăng được”, ông Lực nhận định.
Hiện, các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu từ 0,5% – 2%, các khoản vay mới giảm từ 1-4%.
Doanh nghiệp chưa nghĩ đến chuyện vay vốn
Theo các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng quý I mọi năm trước chiếm từ 20-30% của cả năm thì năm nay chỉ chiếm 10-15%, chủ yếu là ngân hàng cơ cấu các khoản nợ. Thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 200-300 tỷ đồng.
Trước tình trạng doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, các ngân hàng cũng tỏ ra lo lắng bởi điều này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho hay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp ở Eximbank không còn cao như trước, sức hấp thụ vốn của họ giảm mạnh.
“Ngân hàng tiếp cận cho vay nhưng họ không có nhu cầu vay”, ông Phước nói.
Đại diện một ngân hàng thương mại khác cũng cho biết, lãi suất cho vay liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu bởi doanh nghiệp vay vốn làm gì khi hàng tồn kho không bán được, khoản phải thu thì đòi chưa được, sức cầu giảm sút…?
Ông Phan Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nhựa Kim Thành (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kép, cả thiếu nguyên liệu sản xuất và đơn hàng xuất khẩu. “Hiện, chúng tôi đã phải cắt giảm 30% nhân sự, chỉ giữ lại một vài bộ phận để duy trì nhưng có khả năng làm một ngày và nghỉ một ngày và nhân viên cũng chỉ được nhận 50% lương”.
Vì vậy, ông Thành cho biết, thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, dù lãi suất giảm sâu chưa từng có trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, với doanh nghiệp đang có nhiều hàng tồn kho như công ty Kim Thành mong muốn nhất lúc này là được giảm lãi vay dư nợ hiện hữu.
“Đây là hỗ trợ thiết thực nhất với chúng tôi trong thời điểm này”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hữu Vịnh, chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại (Hà Nội) cho hay, hiện công ty không còn đoàn khách nào, các tour trong tháng 3 và tháng 4 đều bị hủy. Trong khi đó, công ty vẫn phải xoay xở hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho các khoản chi phí hoạt động. “Công ty đã được ngân hàng giảm lãi suất và hướng dẫn vay nhưng hoạt động của doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy hiện tại không có nhu cầu vay vốn mới”, ông Vịnh bộc bạch.
Theo các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp không còn khả năng hấp thụ vốn rất cao. Vì vậy, các ngân hàng đang xem xét giãn lãi vay trên dư nợ hiện hữu ở mức từ 1 - 3% thay vì mức 0,5-2% như hiện nay.
Hoàng Hà