Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong năm 2020 ở mức 14% và cho biết có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp của tín dụng đặt ra lo ngại về việc ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, nhất là khi nguồn vốn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Cơ quan điều hành “ghìm cương”
NHNN cho biết đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. So với dự báo của NHNN hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm 2019 thấp hơn khoảng 1% và là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Ước tính đến 31/12/2019, tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; với doanh nghiệp (DNNVV) nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; với DN ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.
Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nhận xét, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện, tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế. Vì thế, các ngân hàng đang tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo chất lượng tín dụng, hướng tín dụng đến các nhu cầu thiết thực của nền kinh tế.
Do đó, năm 2019, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo ông Lực, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.
Thực tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã có biện pháp để “ghìm cương” tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Ngân hàng nào đạt chuẩn Basel II sẽ được NHNN nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng có vốn nhà nước lại khó đạt chuẩn Basel do chưa có phương án tăng vốn hợp lý, trong khi nhóm ngân hàng này lại chiếm tới một nửa thị phần tín dụng của cả hệ thống, nên tín dụng chung toàn ngành đã tăng thấp so với các năm trước.
Hơn nữa, tín dụng giảm do nhu cầu giảm ở nhiều ngành nghề như: bất động sản, xây dựng, thép và tín dụng mảng khách hàng cá nhân. Đặc biệt, theo các chuyên gia, nhóm DN bất động sản thường vay vốn ngân hàng nhiều nhất, nhưng trong vài năm trở lại đây, việc NHNN liên tục cảnh báo các TCTD hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản đã khiến ngành này giảm lượng vốn vay, chuyển sang kênh trái phiếu DN. Vì thế, thị trường trái phiếu DN năm 2019 đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14% |
Tín dụng đi vào chiều sâu
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, “đường đi” của tăng trưởng tín dụng sẽ tương ứng với năm 2019.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng điểm khác biệt của tăng trưởng tín dụng trong năm vừa qua tiếp tục trải đều qua các tháng, thay vì “dồn toa” vào cuối năm như trước đây. Quan trọng hơn, hiệu quả tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng cải thiện. Tính toán cho thấy tốc độ tăng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống nhanh chóng từ trên 2,2% năm 2017 xuống mức bình quân 1,4% năm 2019. Do đó, ngày càng nhiều ngân hàng và DN mở rộng huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh từ việc huy động vốn trên thị trường tài chính - tiền tệ.
Năm 2020, Thống đốc NHNN đã ra chỉ thị nêu rõ mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Mức 14% được xem là con số hợp lý với năm 2020, bởi các TCTD sẽ tiếp tục phải chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng để đáp ứng chuẩn Basel II.
Ngoài ra, các dòng vốn, mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu DN... sẽ tiếp tục tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng.
Hơn nữa, về tác động của tăng trưởng tín dụng thấp với nền kinh tế, các chuyên gia cũng cho rằng không đáng lo ngại, bởi dù tình hình kinh tế thế giới năm 2020 còn nhiều biến động tiêu cực, nhưng nền kinh tế trong nước đã tăng trưởng nhờ vào chiều sâu chất lượng, dịch chuyển vào những ngành có giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, nhìn lại năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao dù tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, các quan điểm về tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam có lẽ đã không phù hợp, nên phải có những chiến lược để phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, tạo thành nhiều kênh dẫn vốn cho các chủ thể của nền kinh tế, dẫn tới sự phát triển hài hòa và bền vững.
Hoàng Hà