Dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018. |
Trong văn bản trả lời cử tri liên quan đến các vấn đề về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các dự án với nguồn vốn vay ưu đãi; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân.
Cùng với đó, NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất.
“Tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) tham gia; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện”, Thống đốc cho biết.
Kết quả, đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý (chiếm 32,12% dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018); tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng (chiếm 67,88% dư nợ cho vay bất động sản, tăng 25,69%).
Riêng về dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến cuối năm 2019 đạt 2.397 tỷ đồng với 7.139 khách hàng còn dư nợ.
Thanh Hoa