Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, trong đó có nội dung về cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản (BĐS), BOT, BT giao thông, chứng khoán…
Báo cáo cho thấy, tín dụng lĩnh vực BĐS vẫn tiếp tục tăng trong các tháng đầu năm 2019. Đến hết quý I/2019, dư nợ tín dụng BĐS bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng đã tăng 3,29%, chiếm 18,08% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Tín dụng BĐS chiếm 18,08%
NHNN nhận định trong những năm gần đây, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đến hết quý I, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất (25,1%), tiếp theo là các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng (19,66%), BĐS bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng (18,08%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (18%)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thông số như trên, tín dụng BĐS đang nằm ở ngưỡng an toàn. "Thời điểm này, thị trường đang phát triển rất lành mạnh và không cần thiết phải siết chặt hơn nữa. Nếu can thiệp quá sâu sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh BĐS, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế đất nước", một chuyên gia nói.
PGs.Ts Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phân tích vốn từ các ngân hàng hiện vẫn chiếm trên 70% tổng nguồn tiền đổ vào thị trường BĐS.
Từ 1/1/2019, nguồn tiền này chịu tác động mạnh từ chính sách, cụ thể là quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng giảm từ 45% xuống còn 40%, hệ số rủi ro với tín dụng BĐS lên tới 200% từ mức 150%.
"Về chỉ số, đây là mức thắt tín dụng BĐS chặt nhất từ trước đến nay và tất cả các tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ", ông Chung nói.
Tuy nhiên, trong các phát biểu gần đây, đại diện NHNN cũng khẳng định, định hướng điều hành chính sách tiền tệ là mở rộng tín dụng có kiểm soát. Điều đó được hiểu là không siết chặt theo lĩnh vực, mà tổ chức tín dụng nào còn dư địa và có năng lực kiểm soát thì vẫn có thể đổ vốn vào lĩnh vực này và đương nhiên phải tuân thủ các yêu cầu nêu trên.
Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá: "Chủ trương siết tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm đã được NHNN đặt ra những năm gần đây. Với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 14% cho năm 2019, nếu kiểm soát tốt thì vốn từ ngân hàng vào BĐS vẫn không đáng lo. Bên cạnh đó, thị trường này vẫn còn nhiều nguồn vốn khả quan khác".
|
Việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng |
Còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Các ngân hàng thương mại cũng đang lĩnh hội chủ trương siết tín dụng BĐS của cơ quan quản lý rất chặt chẽ.
Chị Hồng Nhung – Trưởng nhóm tín dụng một ngân hàng TMCP, cho biết kết thúc quý I, nhóm của chị gồm 7 nhân viên đã giải ngân được 15 bộ hồ sơ vay mua BĐS, tổng trị giá giải ngân hơn 10 tỷ đồng, xấp xỉ con số của cùng kỳ năm ngoái.
"Các chỉ tiêu tín dụng đối với cho vay BĐS vẫn được giao tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, chúng tôi được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn về hồ sơ vay vốn, có thêm một số điều kiện trong xét duyệt vay vốn so với năm ngoái. Chẳng hạn, bộ hồ sơ vay vốn buộc phải có thông tin chính xác về thẻ bảo hiểm y tế của người vay, trong khi trước đây không cần nội dung này. Do đó, trong quý vừa rồi, cả nhóm có 20 hồ sơ vay vốn nhưng chỉ xét duyệt 15 hồ sơ", chị Nhung nói.
Mặc dù nhiều ý kiến đánh giá tín dụng lĩnh vực BĐS tăng trong các tháng đầu năm không đáng lo, nhưng NHNN cũng nhận định việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.
NHNN cho rằng nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Bên cạnh đó, đầu tư kinh doanh BĐS là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường; đồng thời vẫn còn tình trạng mất cân đối cung – cầu tại một số phân khúc BĐS…
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới khi NHNN siết chặt tín dụng vào BĐS, thị trường này sẽ có thêm những nguồn vốn mới bổ sung như kiều hối, tư nhân trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn từ tư nhân nước ngoài tham gia mua bán và đầu tư vào dự án, vốn từ sản phẩm tài chính phái sinh như trái phiếu doanh nghiệp BĐS, vốn từ thị trường chứng khoán. Ngoài ra, còn có nguồn vốn tự có từ chính doanh nghiệp BĐS do kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng cao.
Hoàng Hà