![]() |
Lãi suất thấp vẫn khó đến tay doanh nghiệp. |
Một chuyên gia cho rằng mức lãi suất công bố tối đa, tối thiểu của ngân hàng chỉ là con số tương đối, có tính linh hoạt. Do đó, với mỗi kiểu khách hàng, con số thực tế lại khác nhau.
Doanh nghiệp cần vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng
Dù rất cố gắng triển khai các gói tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng 9 tháng của ngành ngân hàng mới đạt 6,09% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều cùng kỳ 9,4%. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm nay vào khoảng 8-10%, kỳ vọng của các ngân hàng là 11,4%. Tức là có khoảng 150-320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020.
Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng cung ứng vốn. Nhưng tăng trưởng tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe, năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán SSI, trong quý IV sẽ có một lượng lớn khách hàng là các doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng. Nguyên nhân do từ ngày 1/9/2020 các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn phải đáp ứng quy định chặt chẽ về việc đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp. Đồng thời, dư nợ trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Với những quy định trên, nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được. Do đó, doanh nghiệp cần vốn sẽ quay trở lại kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo-Thống kê, NHNN cũng cho thấy có hơn 50% tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lạị và đạt mức 4,7% trong quý IV/2020. Cùng với đó, hầu hết các tổ chức tín dụng, từ quy mô nhỏ đến lớn, trong hoặc ngoài nước, đều tăng mức kỳ vọng về khả năng tăng trưởng tín dụng của tổ chức trong năm nay.
Có thể thấy từ đầu tháng 10 đến nay, bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay tiêu dùng, nhiều nhà băng còn tung ra gói vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà vay vốn do chưa muốn mở rộng hoạt động kinh doanh lúc này. Số khác có nhu cầu thì cho biết chưa tiếp cận được vốn vay giá rẻ vì điều kiện xét duyệt quá khó hoặc mức lãi vay được giảm không nhiều.
Lãi suất giảm chỉ ở "bề nổi"?
Tổng giám đốc một công ty chuyên về đồ gỗ ở TP HCM cho hay, tuy là doanh nghiệp sản xuất nhưng hiện nay đơn vị này chưa vay được đồng vốn nào với lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra.
"Với gói vay lãi suất 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có quá nhiều điều kiện như yêu cầu chúng tôi chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới...Những điều này rất khó đáp ứng trong bối cảnh hiện nay", ông nói.
Một công ty sản xuất nhựa khác ở Hà Nội cho biết, lãi suất được các ngân hàng chào vay ưu đãi ở kỳ hạn 6 tháng là 6% một năm. Nhưng trên thực tế, mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, sau đó sau đó sẽ được điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3%/năm và điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần.
“Sau thời gian vay ưu đãi, tính ra vay vốn ngắn hạn từ 6 tháng lãi suất tăng lên 9%/năm, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không thể “gánh” được mức lãi quá cao như vậy. Hơn nữa với khoản vay cũ lãi 10,5%/năm, ngân hàng không cho giảm. Không những thế, tài sản thế chấp của doanh nghiệp là nhà đất, trước kia ngân hàng còn định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa cho vay khoảng 40% giá trị nên chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn”, doanh nghiệp cho hay.
Công ty TNHH bệnh viện đa khoa Nhi Sài Gòn – Chi nhánh tại Đồng Nai mới đây cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã làm hồ sơ đề nghị TPBank hỗ trợ giảm lãi, cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 01 của NHNN với khoản tại ngân hàng.
Tuy nhiên, TPBank không chấp nhận giảm lãi khoản nợ cũ mà chỉ khoanh nợ gốc 5 tháng (từ tháng 4-8/2020). Sau thời gian ưu đãi, lãi suất đã tăng từ 8,8%/năm lên 12,2%/năm. Lãi suất được tính dựa trên lãi suất huy động 8,2%/năm với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ, cộng với biên độ 4%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Các doanh nghiệp cho biết, phải là khách hàng vay vốn lớn và có mối quan hệ lâu năm với ngân hàng mới được giảm lãi suất cho vay khoảng 2 điểm %/năm, còn lại các doanh nghiệp nhỏ vay vốn lãi suất vẫn cao, chỉ được giảm từ 0,2-1 điểm %/năm. Với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất cho vay, tại một số ngân hàng ở mức từ 11%/năm trở lên.
Huyền Anh