Các doanh nghiệp kiến nghị lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ dao động quanh mức 6%-6,5%/năm (Ảnh: Int). |
So với mức trung bình hồi đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1%/năm, trong khi lãi suất cho vay thường gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn không thay đổi (6-9%/năm với ngắn hạn và 9-11%/năm với trung và dài hạn).
Chưa theo dòng với "đầu vào"
Theo báo cáo thống kê của SSI Research, lãi suất huy động đã giữ xu hướng giảm liên tục từ đầu năm và giảm mạnh từ tháng 7. Hiện, lãi suất tiền gửi đã giảm 0,5-2,1 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn.
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, đến ngày 16/9, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mới phổ biến ở mức 0,5-2,5% so với trước dịch.
Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn khẳng định, không thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng.
Chị Thu Hương (chủ một cơ sở sản xuất ở Hà Nội) đánh giá, lãi suất cho vay tại một số ngân hàng gần đây có giảm nhưng không đáng kể. “Hiện nay, mức lãi suất cho vay dài hạn sau ưu đãi tại VietinBank khoảng 11%/năm”, chị Hương dẫn chứng.
Chị Hồ Mai Anh, nhân viên kế toán một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cho biết, giao dịch với các ngân hàng trong thời gian vừa qua, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng ở Techcombank ở mức từ 2,65 - 2,85%/năm. Thế nhưng, lãi suất cho vay của ngân hàng này lại khá cao. Cụ thể, lãi suất cho vay cố định trong năm đầu là 8,79%/năm, sau ưu đãi sẽ là 11,5%/năm.
“NHNN cho biết lãi suất huy động giảm sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay giảm. Vì vậy, tôi cứ nghĩ lãi suất huy động tại Techcombank đang ở mức siêu thấp như vậy thì lãi suất cho vay cũng giảm mạnh theo. Thế nhưng, khi tìm hiểu mới té ngửa là lãi suất cho vay tại đây vẫn ở nhóm cao nhất trên thị trường”, chị Mai Anh cho hay.
Thông tin về hoạt động ngân hàng mới nhất từ NHNN cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,1%/năm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thực tế trên thị trường vẫn chưa có được mức giảm tương đương, lãi suất thực tế vẫn chưa giảm nhiều như thông tin từ các ngân hàng. Lãi suất với các khoản vay trung, dài hạn từ 8,5% - 11%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này. Điều đó khiến các doanh nghiệp, người dân đã “kiệt quệ” vì Covid-19 lại càng khó khăn hơn do chi phí lãi vay quá cao.
Hết dư địa giảm tiếp?
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, đáng lẽ với lãi suất huy động dài hạn giảm mạnh thì lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ dao động quanh mức 6%-6,5%/năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay theo kiến nghị của các doanh nghiệp là rất khó. Bởi, lãi suất huy động giảm nhưng số dư huy động lãi suất cao từ năm trước vẫn còn. Mặt khác, dù thừa vốn nhưng ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn…
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, dù muốn hay không thì ngân hàng cũng phải chọn lựa khách hàng để hỗ trợ. Không thể miễn, giảm lãi, bơm vốn cho khách hàng mà ngân hàng nhìn thấy rõ nguy cơ mất an toàn vốn.
“Nói chung là ngân hàng hỗ trợ theo kiểu kê đơn bắt bệnh, tùy vào từng đối tượng, mức độ thiệt hại của doanh nghiệp mà có hướng hỗ trợ phù hợp. Hơn nữa, muốn giãn nợ, gia hạn nợ thì cũng phải phù hợp với quy định của luật pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Tùng cho hay.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, trên thực tế, biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng không còn nhiều. Đó cũng là lý do lãi suất tiền gửi giảm liên tục từ đầu tháng 7 đến nay để tạo thêm dư địa giảm lãi cho vay.
Như tại Sacombank, lãi suất huy động với khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 3,9-4,05%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,7-6,1%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,5-6,7%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay có thế chấp thấp nhất đã ở mức 7,5%/năm.
Theo ông Tuệ, với biên lãi thuần như hiện nay, nếu không giảm thêm lãi suất huy động mà giảm lãi cho vay, ngân hàng sẽ bị thua lỗ. Ví dụ, nếu huy động ở mức 5%/năm mà cho vay ra ở 7%/năm, với chênh lệch lãi 2%/năm thì ngân hàng chắn chắn sẽ chịu lỗ vì phải trang trải các chi phí vận hành, chi phí nhân viên và trích lập dự phòng…
Ngoài ra, năng lực tài chính của mỗi ngân hàng là khác nhau, nên việc giảm lãi suất cho vay với khách hàng cũng khác nhau.
Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích khối ngân hàng Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam nhận xét, việc hỗ trợ các khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giãn, hoãn nợ phần nào cũng ảnh hưởng đến chỉ số biên lợi nhuận (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí phải trả của ngân hàng, gọi tắt là NIM) bình quân của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay giảm khoảng 0,4% so với cuối năm 2019, xuống còn 3,2%.
Trong bối cảnh cầu tín dụng yếu sẽ tạo áp lực lên NIM trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Vì vậy, ước tính chỉ số NIM của hệ thống ngân hàng đến cuối năm sẽ giảm về khoảng 3%, nên dư địa giảm lãi suất cho vay còn rất nhỏ.
Huyền Anh