Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Trong khi tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao thì tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này chỉ gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm.
Vì vậy, tổng số lượng tiền gửi trong hệ thống tính đến cuối tháng 2 giảm nhẹ từ 13,17 triệu tỷ đồng (ghi nhận cuối tháng 1) xuống còn 13,16 triệu tỷ đồng.
Hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. |
Trước đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Theo nhiều chuyên gia, tiền gửi của các tổ chức kinh tế quay đầu giảm trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp hồi đầu năm.
Tuy vậy, lượng tiền gửi của người dân vẫn tăng cao do các kênh đầu tư khác đang thiếu sức hút.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Năm nay, tốc độ huy động của các ngân hàng chậm lại đáng kể. Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý I của 27 ngân hàng thương mại trong nước, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng chỉ tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm.
3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm ngân hàng quốc doanh doanh với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
BIDV tiếp tục dẫn đầu với tổng số tiền gửi trong quý vừa qua đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2023. Tiếp theo là VietinBank với mức số dư tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%; Vietcombank có tổng tiền gửi khách hàng quý vừa qua ở mức 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 3,4%...
Gần đây, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng mặt bằng vẫn thấp quanh 5%/năm. Giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect dự báo mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Thanh Hoa