Một số công ty chứng khoán hiện đang áp dụng hình thức “hợp tác đầu tư”, mang lại lãi suất tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng cho nhà đầu tư. Với hình thức này, trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể “hợp tác đầu tư” để sinh lợi từ việc hưởng lãi suất của công ty chứng khoán mà không cần phải chuyển tiền ra bên ngoài. Khi nào có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thao tác chuyển tiền từ ngân hàng vào.
Lãi suất của công ty chứng khoán vượt trội ngân hàng
Theo khảo sát, mặt bằng lãi suất ngân hàng đang ở mức khá thấp. Tại nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank), khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên chỉ còn được hưởng lãi suất 6,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 3,3 – 4,1%/năm. Với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất của Big4 chỉ ở mức 0,1 – 0,2%/năm.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cao hơn khoảng 1 – 2%/năm tùy từng kỳ hạn, song không còn mức lãi suất trên 8%/năm. Với tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, tất cả các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động về không quá 4,5%/năm.
Với tiền nhàn rỗi trong tài khoản chứng khoán, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng cùng kỳ hạn. |
Trong khi đó, tại các công ty chứng khoán, với tiền nhàn rỗi trong tài khoản, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất khá cao. Đơn cử như với sản phẩm hỗ trợ lãi suất D-Money của VNDirect, khách hàng có rất nhiều lựa chọn cho các kỳ hạn gửi từ 2 ngày cho đến 1 năm.
Trong đó, các kỳ hạn từ 2 – 29 ngày, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất từ 3,3 – 5,8%/năm, gấp hàng chục lần so với tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng (chỉ 0,1 – 0,2%/năm).
Với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tại công ty chứng khoán này dao động từ 6,7 – 7,7%/năm (trong khi trần lãi suất tại các ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định với kỳ hạn này chỉ là 4,5%/năm).
Mức lãi suất cao nhất cho tiền gửi tại VNDirect ở kỳ hạn 1 năm hiện nay là 8,5%/năm. Trong khi tại các ngân hàng, mức lãi suất 8%/năm đã không còn xuất hiện.
Hay như tại Công ty chứng khoán DNSE, với sản phẩm đầu tư Entrade X, nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất 5% cho tiền gửi không kỳ hạn; lãi suất từ 6 – 7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn chỉ 1 – 3 tháng.
Một số công ty chứng khoán thậm chí còn đẩy lãi suất lên gần 10%, như tại Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), lợi suất sản phẩm đầu tư elnvest Fix lên tới 9,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 7 tháng đến 11 tháng, lãi suất dao động từ 9,1% - 9,5%/năm. Kỳ hạn 1 – 5 tháng, mức lãi suất tại VPBankS dao động từ 7,1 – 8,5%/năm, một mức lãi suất rất cao so với ngân hàng. Thậm chí, với các khoản tiền đầu tư chỉ từ 3 ngày đến dưới 1 tháng, khách hàng cũng được hưởng mức lãi lên tới 5,1 – 5,7%/năm...
Tiền gửi đang chảy về công ty chứng khoán
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho biết, năm 2022, lãi suất tiền gửi ngân hàng hấp dẫn đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu và gửi tiền vào ngân hàng. Trong đó, nhiều người đã chọn gửi tiền kỳ hạn 6 tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, các khoản tiền gửi với kỳ hạn 6 tháng đó đã đến thời gian đáo hạn và lãi suất đã giảm xuống và điều này đang thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào thị trường chứng khoán.
Báo cáo phân tích của VNDirect cho rằng, tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn trong nửa sau của năm 2023. Lãi suất huy động (bình quân) kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024. Dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5 ở mức xấp xỉ 6,35 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 4, tiền gửi dân cư chỉ tăng hơn 14.700 tỷ đồng, con số thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó và thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cụ thể, so với tháng liền trước, tiền gửi dân cư đã tăng 177.300 tỷ đồng trong tháng 1; tăng 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; tăng 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Điều này cho thấy, cùng với xu hướng giảm lãi suất thì tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng cũng chững lại.
Trong khi đó, số tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán lại tăng mạnh. Thống kê từ các công ty chứng khoán ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng vào thời điểm cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng nữa so với mức cuối quý II/2023. Từ đó, thanh khoản bình quân dự báo dao động trong khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên cho giai đoạn nửa cuối năm.
Theo nhận định của một số chuyên gia, với nhà đầu tư, hình thức “hợp tác đầu tư” cũng mang lại khá nhiều lợi ích như được hưởng lãi suất cao, tận dụng tiền nhàn rỗi để sinh lợi khi chưa có nhu cầu giao dịch (hưởng lãi kỳ hạn 1 tuần) mà không cần phải rút tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán. Ngược lại, hình thức này cũng có rủi ro tranh chấp nếu như côngty chứng khoán không đủ năng lực để trả lãi cho nhà đầu tư. Dù vậy, cho đến nay, hình thức này trên thị trường vẫn chưa ghi nhận phát sinh gây tranh cãi nào.
Huyền Anh