Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh lãi suất thấp, dịch Covid-19 kéo dài, cơ hội làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp suy giảm khiến dòng tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,4%
Quan sát thị trường của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, kể từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện, giúp nguồn cung VND được cải thiện.
Tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân ở ngân hàng tăng chậm kỷ lục. |
Điều này thể hiện rõ nhất ở mức lãi suất liên ngân hàng thấp, qua đêm chỉ quanh 1%/năm; kênh giao dịch trên thị trường mở thường xuyên không phải dùng đến. Trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ 6-7 điểm cơ bản, kết tuần ở 0,90% cho kỳ hạn qua đêm và 1,04% cho kỳ hạn 1 tuần.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp, 3 - 4% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5,0% với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 4,2 - 6,5% với kỳ hạn trên 12 tháng.
Tuy vẫn có một số ngân hàng tăng lãi suất cục bộ với mức tăng dao động từ 15 - 30 điểm cơ bản, nhưng cũng không vượt quá mức 8%/năm. Cao nhất trên thị trường hiện nay là ACB đang huy động ở mức 7,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi 30 tỷ đồng trở lên.
Theo giới phân tích, gửi tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, với mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng, bất động sản...
Điều này thể hiện rõ nhất qua lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm chỉ tăng thêm khoảng 384.400 tỷ đồng. Trong đó, người dân đã gửi ròng thêm gần 151.200 tỷ đồng, nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 5,111 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% sau 6 tháng.
Riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ hai từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3).
Diễn biến này cũng trái ngược hoàn toàn so với những năm trước khi mà tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.
Như trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp đôi so với mức tăng 167.000 tỷ đồng của nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức.
Ngân hàng rơi vào thế khó
Chị Minh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hồi đầu tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, công ty yêu cầu một nửa nhân viên làm việc ở nhà. Thời gian rảnh rỗi, chị bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán và rút 50% tiền tiết kiệm tham gia kênh đầu tư này. Cuối tháng 7, khi dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, chị tiếp tục rút thêm 100 triệu đồng từ tài khoản tiết kiệm chuyển vào chứng khoán với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn.
"Lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, tiền tiết kiệm đang gửi kỳ hạn 6 tháng chỉ lãi 4%/năm, trong khi chứng khoán đang khởi sắc, nhiều mã cổ phiếu có mức tăng trưởng hàng trăm phần trăm chỉ trong vài tháng, nên tôi quyết định rút tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán", chị Phương chia sẻ.
Trong khi đó, chị Thu Thảo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại quan tâm đến mảng đầu tư bất động sản. "Từ giữa năm 2020 đến nay, lãi suất huy động liên tục xuống mức thấp kỷ lục. Vì vậy, đầu năm 2021, tôi rút 2/3 số tiền gửi tiết kiệm để đầu tư đất ở Bắc Ninh, tháng 7 vừa rồi bán đi thu lãi được 400 triệu đồng. Số tiền này, tôi tiếp tục quay vòng đầu tư vào bất động sản, với hy vọng sau khi dịch được khống chế, giá đất sẽ tăng cao", chị Thảo kể.
Vậy, việc dòng tiền chảy vào ngân hàng tiếp tục chậm lại và dịch chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản… có đáng lo?
Hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh tạm thời dừng lại, thu nhập của người dân sụt giảm, huy động vốn tăng chậm nhưng thực tế nguồn vốn của nhiều ngân hàng vẫn dồi dào do cầu vay vẫn thấp.
Trong bối cảnh huy động tiền gửi khách hàng cá nhân đang tăng chậm, lãi suất tiền gửi thấp, song các ngân hàng khẳng định sẽ không hạ thêm lãi suất, bởi lo ngại dòng tiền sẽ dịch chuyển sang kênh đầu tư khác. Ngược lại, nếu tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền gửi thì nguồn vốn huy động sẽ tăng lên nhưng do đầu ra bị hạn chế, ngân hàng cũng sẽ rơi vào thế khó.
“Xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát triệt để, các thành phần kinh tế sẽ lao vào sản xuất kinh doanh, thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Khi đó, ngân hàng có thể tính đến việc tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế", TS, Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Huyền Anh