Quy mô tiền gửi khu vực dân cư trong 4 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch và thấp nhất 6 năm. |
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tính đến tháng 4/2021 tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 2,05% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó, quy mô tiền gửi của dân cư ở các TCTD tính đến tháng 4/2021 ở mức 5.262.299 tỷ đồng, chỉ tăng 2,34% so với cuối năm 2020 (đạt 3,37%) và chưa bằng 1/2 so với 4 tháng đầu năm 2019.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng tiền gửi của người dân 4 tháng đầu năm ghi nhận xu hướng chậm lại. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2014, tăng trưởng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng những tháng đầu năm đều đạt trên dưới 10%. Trong đó, mức tăng 4 tháng đầu năm 2013 lên tới 13,55%. Tuy nhiên, tốc độ này đã chậm lại rõ rệt kể từ năm 2016 và giảm mạnh từ năm 2019 đến nay. Cùng kỳ tháng 4/2019 còn 5,98%; tháng 4/2020 là 3,37% và 4/2021 còn 2,34%.
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng tăng gần 100.000 tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của người dân tăng thêm 120.425 tỷ.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng 4 tháng đầu năm ghi nhận mức thấp hơn nhiều so với những năm trước có một phần nguyên nhân đến từ việc lãi suất huy động thấp.
Thống từ năm 2020 đến nay (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát) có thể khiến thu nhập người dân suy giảm và tác động đến tăng trưởng tiền gửi; mặt khác yếu tố lãi suất huy động xuống mức thấp nhất từ trước tới nay cũng ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào TCTD.
Theo đó, lãi suất bình quân tiền gửi bằng VND với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm từ 4,3-5%/năm xuống mức 3,1-3,8%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 5,3 - 7%/năm xuống 4 - 5,9%/năm. Trong khi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện phổ biến có mức lãi suất ở 5,6 - 6,7%/năm, trong khi đầu năm 2020 là 6,6 - 7,5%/năm.
Vậy dòng tiền trong dân cư sẽ đi đâu? Có thể thấy, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ quy mô giao dịch, với nhiều phiên duy trì tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí đạt tới khoảng 30.000 tỷ đồng, đi cùng là lượng tài khoản các nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục gia tăng qua các tháng.
Số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với tổng số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Đáng chú ý, con số này thậm chí còn lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại.
Tính tới cuối tháng 6/2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,39 triệu, tương đương khoảng 3,5% dân số.
Hơn nữa, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm cũng tạo nên cơn sốt đất. Theo thống kê từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.
Thanh Hoa