Bức tranh về lương nhân viên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã có sự sụt giảm so với thời điểm cuối năm 2019. |
Thông thường, các ngân hàng luôn đưa ra mức lương và thưởng hậu hĩnh để giữ chân nhân viên giỏi để công hiến cho ngân hàng. Vì vậy, trong bất cứ tình huống nào xảy ra, việc cắt giảm lương nhân viên là lựa chọn cuối cùng.
Mạnh tay cắt giảm nhân sự
Thống kê tại hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, Vietcombank là ngân hàng tuyển dụng nhiều nhân sự nhất trong nửa đầu năm 2020. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2020, Vietcombank có tới 20.115 nhân viên, tăng 1.167 nhân viên so với cuối tháng 12/2019.
Cũng giống như Vietcombank, trong vòng 1 năm qua TPBank cũng tích cực tuyển nhân sự. Hiện số lượng nhân viên tại nhà băng này lên tới 6.991 nhân sự, tương ứng tăng gần 1.500 nhân sự trong vòng 1 năm.
Ngược lại, VPBank lại là nhà băng mạnh tay nhất trong việc cắt giảm nhân sự. Đã có tới trên 4.000 nhân sự của VPBank "mất việc" trong 6 tháng đầu năm. Số nhân sự của VPBank đã giảm gần 3.800 người chỉ trong 3 tháng của quý II, bình quân mỗi tháng cắt giảm trên 1.260 nhân sự
Eximbank, Sacombank và HDBank cũng lần lượt giảm từ 403 đến 599 nhân sự trong nửa đầu năm nay.
Thực tế, không phải do dịch Covid-19 bùng phát, gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh khiến các ngân hàng “mạnh tay” cắt giảm nhân sự, mà việc cắt giảm nhân sự cũng là kết quả của quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
Đơn cử, năm 2019, dù cắt giảm nhân sự, nhưng ngân hàng mẹ VPBank tăng trưởng lợi nhuận tới 24%, đạt lợi nhuận trước thuế 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank giải thích: “Giảm hơn 2.000 nhân sự là kết quả của quá trình tái cấu trúc tại VPBank.
Do tối ưu hóa các quy trình vận hành, ứng dụng nhiều công nghệ mới, áp dụng tự động hóa, số hóa…nên năng suất lao động tăng mạnh. Năm 2019, doanh thu của VPBank tăng hơn 30%, trong khi chi phí chỉ tăng 6%”.
Như vậỵ, việc cắt giảm nhân sự có giúp cho các ngân hàng tiết giảm chi tiêu và tăng lương thưởng cho cán bộ, nhân viên của mình?
Lương nhân viên ngân hàng ra sao?
Khảo sát báo cáo tài chính quý II/2020 của hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, 6 tháng đầu năm, chỉ có 3 nhà băng có lương và phụ cấp bình quân cho nhân viên trên 30 triệu đồng/tháng là Vietcombank, VIB và Techcombank.
Đáng lưu ý, nhân viên các nhà băng trên có mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung các ngân hàng thương mại khác, song trên thực tế thu nhập cũng giảm so với bình quân năm 2019.
Điển hình, lương và phụ cấp bình quân của nhân viên Vietcombank nửa đầu năm nay đạt 32,8 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với bình quân của năm 2019, đã giảm hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Techcombank trở thành quán quân về mức thu nhập bình quân nhân viên. Quý I/2020, thu nhập bình quân nhân viên của nhà băng này là 37,5 triệu đồng/lượng nhưng kết thúc nửa đầu năm, mức thu nhập này giảm xuống chỉ còn 37 triệu đồng.
Ngoài Vietcombank, Techcombank hiện chỉ có VIB trả lương và phụ cấp bình quân lên tới trên 30 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Top nhưng ngân hàng có mức thu nhập trên 20 triệu đồng có thể kể đến như Vietinbank, VPBank, MB, BIDV, TPBank, SHB, Seabank.
OCB và Eximbank là 2 ngân hàng có mức lương và thu nhập bình quân 6 tháng thấp nhất hệ thống. Hiện mức lương và thu nhập bình quân của OCB chỉ quanh mức 10 triệu đồng/tháng.
Như vậy, bức tranh về lương của cán bộ ngân hàng quý II/2020 của các ngân hàng đã bắt đầu “đi xuống.
Tuy vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, hiện nay dịch bệnh đang bùng phát trở lại, nếu trong tháng 8 dịch chưa được khống chế thì từ quý III/2020, tác động của dịch bệnh sẽ thể hiện rõ hơn trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Chính vì vậy, lợi nhuận và lương thưởng của nhân viên ngân hàng sẽ còn biến động nhiều trong 2 quý tới.
Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã từng phát đi thông điệp yêu cầu ngành ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong đó đã yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, cắt giảm mạnh các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng.
Tuy nhiên, trong quý I, dù dịch bệnh đã tác động đến kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng, song các ngân hàng đã cố gắng bảo toàn lương nhân viên. Nhưng sang quý II, bức tranh thu nhập ngành ngân hàng có dấu hiệu sụt giảm, khiến thu nhập của nhân viên một số ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Thanh Hoa