Số liệu thu nhập ngoài lãi của ngành ngân hàng từ báo cáo của ACBS. |
Kể từ quý III/2020, NIM của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể nhờ lãi suất huy động giảm khoảng 200 điểm cơ bản do tình trạng dư thừa thanh khoản. Cùng với đó, việc giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, qua đó giúp tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên và giúp chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh.
Trong khi đó, lợi suất tài sản của các ngân hàng giảm ít hơn so với mức giảm của chi phí vốn do lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động và một số khoản vay, trái phiếu có lãi suất cố định.
Về dài hạn, ACBS cho rằng NIM vẫn còn dư địa cải thiện nhờ CASA tiếp tục tăng lên, tỷ trọng cho vay bán lẻ (doanh nghiệp nhỏ và vừa) tốt hơn cho vay bán buôn (doanh nghiệp lớn); Các ngân hàng phân bổ tài sản hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng nắm giữ các tài sản có lãi suất thấp như trái phiếu Chính phủ và tăng tỷ trọng tài sản có lãi suất cao hơn như trái phiếu tổ chức tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp...
ACBS cũng nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nhờ thu nhập lãi ngoài tiếp tục tăng. Các chuyên gia ABSC đánh giá, thời gian qua, sự phát triển của nền kinh tế sẽ đi kèm với sự tăng trưởng hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, điều này sẽ thúc đẩy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng từ các hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.
Mặc dù hiện tại nhiều ngân hàng đang miễn phí giao dịch trực tuyến để thay đổi hành vi người tiêu dùng nhưng trong tương lai đây sẽ là nguồn thu tiềm năng lớn, khi xu hướng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ mới chỉ đạt 11% tại cuối năm 2020. Do đó, các chuyên gia ACBS kỳ vọng thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm sẽ ngày càng đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ.
Trong đó, một số ngân hàng như: ACB, Vietinbank và MSB sẽ bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền kể từ năm 2021.
Mặt khác, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển giúp thu nhập từ các hoạt động môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng, lợi nhuận từ mua bán chứng khoán của một số ngân hàng nhiều khả năng sẽ sụt giảm do lợi suất trái phiếu Chính phủ khó có thể tiếp tục giảm sâu như trong giai đoạn 2018 - 2020. Do đó, các ngân hàng sẽ khó có thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán như trong giai đoạn này.
Sau quá trình trích lập dự phòng và xóa sổ nợ xấu trong giai đoạn 2015 - 2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn. ACBS ước tính cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của VCB vào khoảng 20.000 tỷ đồng, Vietinbank gần 19.000 tỷ đồng, MB khoảng 13.000 tỷ đồng và Techcombank khoảng 10.000 tỷ đồng. Mặc dù quá trình thu hồi các khoản nợ ngoại bảng này có thể kéo dài, nhưng đây sẽ là những nguồn thu nhập tiềm năng trong những năm tới.
Hoàng Hà