Lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh nhờ bán chéo bảo hiểm và tỷ lệ thu nhập lãi thuần nới rộng. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính lợi nhuận của 9 ngân hàng trong quý II và nửa đầu năm. Một số nhà băng được dự báo tăng trưởng cao trong quý II là MSB tăng 141%, Techcombank, ACB và VIB tăng 58%, BIDV tăng 51%, HDBank tăng 45%...
Tăng thu từ dịch vụ và cải thiện NIM
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực và còn phải gồng mình để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên bức tranh toàn ngành nửa đầu năm vẫn có màu sắc tươi sáng.
Theo giới phân tích, động lực chính để tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng trong quý II/2021 và các quý tới là nhờ biên lãi ròng duy trì ở mức cao khi lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng.
Trong một báo cáo phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến ở mức 12-13%, do vậy các ngân hàng có vốn mạnh sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.
Trong khi đó, NIM được cải thiện nhờ chi phí vốn rẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng có xu hướng tăng.
Mặt khác, thu nhập phí của các nhà băng tăng trưởng tốt nhờ phí trả trước từ các thương vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục tăng trưởng và các ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận phí trả trước.
Chẳng hạn, lãnh đạo VietinBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ước đạt 13.000 tỷ đồng, cao hơn 75% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng lợi nhuận đến từ tăng trưởng tín dụng 4,8% và tăng mạnh khoản thu từ dịch vụ mang về hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Tương tự là MSB, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 có lợi nhuận trước thuế đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm, cũng như NIM được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết với Prudential. Theo đó, thu nhập quý II/2021 bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước bancassurance từ Prudential.
Trong 2 quý đầu năm, ACB cũng là một trong những nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, lên đến 58% nhờ tăng trưởng tín dụng tăng 19-20% và NIM nới rộng so với cùng kỳ. Hoạt động bancassurance vẫn phát triển mạnh, với mức phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) thuộc Top 3 trên thị trường.
Bancassurance vẫn là "gà đẻ trứng vàng”
Theo giới phân tích, thời gian tới, bên cạnh nền tảng tăng trưởng từ hoạt động tín dụng, phí trả trước từ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng. Đáng chú ý là một làn sóng tái đàm phán các thương vụ bancassurance độc quyền sẽ diễn ra đến cuối năm 2021 giúp các nhà băng ghi nhận khoản phí trả trước và hoa hồng cao hơn trong tương lai.
Nhiều ngân viên ngân hàng than thở về áp lực từ việc bán bảo hiểm ngày một lớn hơn với họ. Thông qua triển khai gói sản phẩm "tiết kiệm kèm bảo vệ sức khoẻ" để giới thiệu bảo hiểm nhân thọ hay bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ kèm theo khoản cho vay, chỉ tiêu bảo hiểm ngày càng có trọng số lớn trong bản đánh giá mức độ hoàn thành công việc (KPI).
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bancassurance là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của các ngân hàng. Bởi lẽ, các ngân hàng thường có mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, có công nghệ... phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Việc hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả ngân hàng, công ty bảo hiểm khi ngân hàng muốn tạo ra hệ sinh thái tiện ích và đa dạng hơn cho khách hàng.
Dưới góc độ lãnh đạo một ngân hàng đang có hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, bancassurance là xu hướng ngân hàng bán lẻ lựa chọn để đa dạng và khép kín dịch vụ của mình.
Điều này giúp khách hàng gắn bó lâu dài với nhà băng. Thêm vào đó, sự hợp tác độc quyền giúp ngân hàng có sự hỗ trợ về phát triển mạng lưới, đầu tư nhân sự cho mảng bán lẻ, bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác.
Với những lợi ích đó, một số nhà băng đã và đang đẩy mạnh tìm kiếm đối tác độc quyền trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Khảo sát của Vietnam Report về Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2021 vừa được phát hành cho thấy, doanh thu từ bancassurance ghi nhận tăng trưởng 66,7%. “Lĩnh vực bancassurance sẽ là yếu tố dẫn dắt cho các khoản lợi nhuận từ dịch vụ của ngân hàng trong thời gian tới, khi các mảng thu từ phí khác như tín dụng, ngoại hối… dự báo sụt giảm do tác động từ dịch Covid-19 và thị trường ngày càng cạnh tranh hơn”, báo cáo của Vietnam Report nêu.
Huyền Anh