Thu nhập bình quân nhân viên của giữa Vietcombank, BIDV và VietinBank có sự chênh lệch gần chục triệu đồng/tháng. |
Đề án chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.
Với việc sớm cổ phần hóa, 3 ngân hàng là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã bứt tốc rất nhanh và đang có sự cạnh tranh gay gắt.
Đối lập về lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, tăng trưởng lợi nhuận của 3 ngân hàng đang có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể trong quý I, Vietcombank tiếp tục là quán quân với hơn 8.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tới 65,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức 6.907,5 tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 là 25.850 tỷ đồng, Vietcombank hoàn thành hơn 33,3% kế hoạch năm.
Tại VietinBank, nhà băng này báo lãi trước thuế đạt 8.060 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức này, VietinBank là á quân lợi nhuận quý I/2021 trong hệ thống ngân hàng.
Trong quý, BIDV là ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất, khi chỉ báo lãi trước thuế 3.396 tỷ đồng. So với Vietcombank, lợi nhuận của BIDV chỉ bằng 39% và bằng 42% lợi nhuận của VietinBank.
Dù vậy, so với cùng kỳ BIDV vẫn ghi nhận mức tăng tới 87,2% về lợi nhuận trước thuế. Hết quý I/2021, BIDV đã hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu biến động mạnh
Cả 3 ngân hàng đều có nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Tại Vietcombank, tổng nợ xấu của ngân hàng ở mức hơn 7.697 tỷ đồng tính tới 31/3/2021, tăng 47% so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, nợ nghi ngờ ở mức 1.935 tỷ đồng, tăng 767%, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức 1.311,7 tỷ đồng, tăng 96%, nợ có khả năng mất vốn là 4.450,3 tỷ đồng, tăng 3%.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Vietcombank là 0,88% tính tới 31/3/2021, cao hơn 0,28% so với thời điểm đầu năm. Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 368% xuống 279%.
BIDV cũng ghi nhận nợ xấu nội bảng tăng 396 tỷ so với đầu năm, lên 21.765 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,76%, gần như không đổi so với đầu năm.
Ngược lại, tại VietinBank, nợ xấu của ngân hàng này cuối quý I/2021 ở mức 8.952 tỷ đồng, giảm 566 tỷ so với đầu năm (giảm 6%). Tỷ lệ nợ xấu cũng tiếp tục xuống thấp, từ mức 0,94% cuối năm 2020 giảm xuống 0,88% vào cuối tháng 3/2021.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giữa 3 ngân hàng cũng có sự cách biệt rất lớn. Cuối tháng 3, Vietcombank sử dụng gần 2.275 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, cao hơn 5,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, VietinBank giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.350 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng vọt, cao hơn rất nhiều so với quý I/2020.
Nếu như VietinBank giảm trích lập dự phòng thì tại BIDV, con số trích lập dự phòng rủi ro tín dụng "ăn mòn" tới trên 70% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này.
Nếu tính tổng con số trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank và VietinBank công lại mới chỉ bằng một nửa mức trích lập dự phòng rủi ro của BIDV (quý I/2021, BIDV trích hơn 7.100 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng).
Thu nhập nhân viên chênh lệch gần 10 triệu đồng
Sự phân hóa, cách biệt giữa Vietcombank, BIDV, VietinBank còn được thể hiện ngay trên con số thu nhập bình quân nhân viên có sự chênh lệch gần chục triệu đồng/tháng.
Tính đến hết tháng 3, BIDV vẫn là nhà băng dẫn đầu với hơn 26.600 nhân viên, tiếp theo là VietinBank có 24.562 nhân viên và Vietcombank là 20.679 nhân viên.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I, tổng lương và phụ cấp tại Vietcombank cao nhất với 1.985 tỷ đồng, BIDV đứng vị trí thứ 2 với 1.982 tỷ và VietinBank với 1.899 tỷ đồng.
Ước tính, thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank trong 3 tháng đầu năm là 32 triệu đồng/tháng lương; BIDV vào khoảng 24,8 triệu đồng/người/tháng; VietinBank nhỉnh hơn với 25,8 triệu đồng/tháng.
Khá dễ hiểu khi Vietcombank là ngân hàng trả lương cao nhất trong 3 "ông lớn" quốc doanh, khi trung bình mỗi nhân viên nhà băng này đem về hơn 111 triệu đồng lãi sau thuế mỗi tháng cho ngân hàng. Trong khi đó, tại VietinBank ở mức 84 triệu đồng và BIDV chỉ hơn 30 triệu đồng/tháng.
Huyền Anh