Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đây là số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.
Doanh nghiệp vẫn “đói” vốn
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy cho vay lĩnh vực này thông qua nhiều kênh như: tín dụng thương mại tại các ngân hàng thương mại (NHTM), tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ phát triển DNNVV.
Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. |
Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với các DNNVV. Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng cộng đồng DNNVV cho biết tiếp cận vốn tín dụng là vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc CTCP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo chia sẻ, ngành hàng lúa gạo nông sản nói riêng, các sản phẩm nông sản nói chung ở ĐBSCL có tính chất thời vụ. Hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.
Trong khi đó, nêu thực trạng của DNNVV hiện nay, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết: Nhiều DNNVV khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính. Việc tiếp cận tín dụng là cực khó.
“Nên chăng NHNN có quy định về điều kiện cho vay đối với DNNVV thấp hơn?”, tuy nhiên, để làm được điều này, ông Thân cho rằng cần phải đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các NHTM.
“Nếu các ngân hàng bị bó về mặt thể chế thì doanh nghiệp dù rất mong muốn tháo gỡ nhưng cũng không thể được. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống và phải được Chính phủ cho phép”, ông Thân nói.
Cần cơ chế hỗ trợ ngân hàng thương mại
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ, ngân hàng cũng nhận thức rất cao về việc DNNVV đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. BIDV có tỷ lệ cho vay DNNVV lên đến 24% tổng dư nợ và 40% trên tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp. Số lượng khách hàng DNNVV lên đến trên 320.000, chiếm 98% lượng khách hàng của BIDV.
Phía các NHTM cũng khẳng định, sở dĩ vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng là do nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay.
Về nguồn vốn, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5%/năm đối với DNNVV thuộc đối tượng ưu tiên, tuy nhiên các NHTM phải dùng nguồn vốn thương mại từ huy động vốn cá nhân/tổ chức (với mức lãi suất huy động cao) để cho vay. Bên cạnh đó, với đối tượng khách hàng này, ngân hàng phải dành nhiều thời gian tác nghiệp cho khoản vay quy mô nhỏ, dẫn tới chi phí đầu vào cao.
Về điều kiện tín dụng, DNNVV thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, trình độ quản lý, tổ chức, điều hành, nguồn vốn, năng lực sản xuất, trình độ kỹ thuật còn hạn chế…, nên trong nhiều trường hợp khó đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng.
DNNVV cũng thường không có đủ tài sản bảo đảm để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày tăng cao cho phát triển kinh doanh. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và bảo lãnh tín dụng tại các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, tuy nhiên việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn kém hiệu quả, gặp nhiều vướng mắc khó khăn, và rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Do đó, để DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, Chính phủ, NHNN cần có cơ chế hỗ trợ đối với các NHTM (như chính sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất…) khi cho vay DNNVV, đồng thời mở rộng quy mô cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển DNNVV.
Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Các giải pháp cần tổng thể về văn bản pháp luật, quy chế phối hợp, cơ chế thực thi đảm bảo quyền lợi các bên tham gia, rút ngắn thời gian phát hành và thực thi nghĩa vụ bảo lãnh, hỗ trợ phí bảo lãnh…
Bên cạnh đó, các DNNVV cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động - quản trị, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp lâu dài, hướng tới minh bạch hóa về tài chính, đầu tư kỹ thuật - công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Huyền Anh