"Chúng tôi thừa nhận nông dân tiếp cận được vốn khó hơn so với doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu nông sản. Nguyên nhân là liên kết của ngân hàng với nông dân chưa cao, tính cam kết của hợp đồng nông nghiệp, bao tiêu đầu ra còn thấp. Ví dụ, nông dân ký hợp đồng rồi nhưng khi giá biến động là tự huỷ. Ngân hàng không yên tâm bởi sự biến động vậy", ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Eximbank nói.
Tiếp cận với nguồn vốn phát triển nông nghiệp còn khó khăn
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 hồi cuối tháng 5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, chính sách về nông nghiệp nông thôn nói chung và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, người nông dân luôn được NHNN coi là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay.
Nhiều doanh nghiệp lương thực đang gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. |
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn tín dụng dành cho đối tượng doanh nghiệp này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Đại diện doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành đang phải ứng phó với “bão giá” khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh.
Tất cả chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%; trong nước thì giá xăng dầu cao kỷ lục. “Chi phí đầu vào tăng, nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao”, bà Chi nói.
Lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát… Do đó, suốt thời gian qua, ngành lương thực thực phẩm đã cùng TPHCM duy trì mặt bằng giá không để lạm phát tăng cao.
Dù ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng theo các doanh nghiệp là không bù đắp hết được chi phí tăng và họ đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán.
Về sản xuất, theo bà Chi, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong tình trạng "khát vốn" chứ không phải thiếu vốn. Chẳng hạn, trước đây, doanh nghiệp chỉ cần 100 tỉ đồng dự trữ nguyên vật liệu nhưng hiện nay phải là 150 tỉ đồng. “Doanh nghiệp lương thực thực phẩm hiện khó khăn muôn bề, phải dùng kênh huy động vốn khác mới được duy trì sản xuất đến thời điểm này”, bà Chi cho hay.
Theo đó, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho doanh nghiệp bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản.
Trong Hội thảo “Khơi thông dòng chảy lúa gạo” được tổ chức mới đây, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group cũng chia sẻ: “Chúng tôi làm nông sản khác thì bao nhiêu cũng được nhưng nói tới lương thực thì ngân hàng liền lảng tránh. Tại sao ngân hàng không căn cứ vào uy tín khách hàng mà cứ đi theo hướng khác? Theo tôi, ngân hàng cần thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp”.
Dù không gặp khó khăn về vốn, nhờ các công cụ L/C hay thế chấp nguồn thu, nhưng ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tân Long Group cũng trăn trở việc tiếp cận tín dụng của người nông dân thì khó khăn hơn. “Tôi kiến nghị làm sao có cơ chế "bơm" được tín dụng cho người nông dân sản xuất theo mô hình hợp tác xã", ông Trung đề xuất.
Giải toả nút thắt về vốn cho doanh nghiệp lương thực
Về phía ngân hàng, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Eximbank Nguyễn Quốc Phong lý giải việc ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay đối với ngành lúa gạo là do ngân hàng cũng giống doanh nghiệp, hoạt động dựa trên sự an toàn và hiệu quả, đề cao tính trách nhiệm trên đồng vốn huy động được. Vì thế, mỗi đầu tư cần cân nhắc kỹ.
Ông Phong thừa nhận, nông dân tiếp cận được vốn khó hơn so với doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu nông sản. Bởi lẽ mối liên kết của ngân hàng với nông dân chưa cao, tính cam kết của hợp đồng nông nghiệp, bao tiêu đầu ra còn thấp. “Ví dụ nông dân ký hợp đồng rồi nhưng khi giá biến động là tự huỷ. Ngân hàng không yên tâm bởi sự biến động vậy", ông Phong nói.
Theo đó, ông Phong khuyến nghị, để được cung cấp nguồn vốn, nông dân cần có những hợp đồng có điều khoản về bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá mua giúp người nông dân giảm rủi ro. Hợp đồng này giúp ngân hàng bỏ vốn cho người nông dân đầu tư làm nông nghiệp.
“Ví dụ, chỉ cần nông dân có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nông nghiệp lớn là chúng tôi sẵn sàng giải ngân lên tới 70-80% tổng tiền vay ngay lập tức”, ông Phong khẳng định.
Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp chưa mạnh, xứng tầm để ngân hàng cung cấp vốn cho nông dân thông qua hợp tác xã. Hợp tác xã phải giúp về kiến thức, quản trị, kỹ năng… cho nông dân. Khi đó, ngân hàng có thể cân nhắc cho nông dân vay thông qua đối tác hợp tác xã.
Lâu nay, tình trạng các doanh nghiệp lương thực than khó vay vốn và hàng loạt đề xuất đã được gửi đến phía cơ quan quản lý. Còn nhớ, hồi giữa năm ngoái, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã có cuộc họp yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo các quy định hiện hành.
Đồng thời, mở rộng và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ lúa gạo cho nông dân trong vụ Hè Thu góp phần ổn định giá lúa gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa… Ngay sau đó, nhiều ngân hàng thương mại đã vào cuộc, tung các gói ưu đãi tín dụng dành cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp sản xuất lương thực, các doanh nghiệp cần được vay vốn lâu dài, ngân hàng nâng mức cho vay và triển khai các chính sách nhanh hơn, để doanh nghiệp có thêm vốn sản xuất kinh doanh.
T.H