Các chuyên gia đánh giá thanh toán dùng tiền mặt chắc chắn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài nữa, nhưng với sự phát triển của thanh toán điện tử và lợi ích mà hệ thống thanh toán điện tử mang lại thì trong tương lai với chi phí ngày càng giảm và độ bảo mật càng cao, việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ dần giảm bớt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến.
80% mua sắm trực tuyến bằng tiền mặt
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, tại Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trong nước khi mua sắm trực tuyến với 80% số người được hỏi cho biết sử dụng hình thức thanh toán trả tiền khi nhận hàng.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT), thông tin hiện nay có đến 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt. Một trong những lý do khiến người dân vẫn dùng tiền mặt khi mua hàng qua mạng là vì chưa có niềm tin vào việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, tại một số lĩnh vực đặc thù như hải quan, thuế, điện lực, tỷ lệ không dùng tiền mặt khá cao. Trong khi đó, cũng là lĩnh vực đặc thù, song tại các bệnh viện, tỷ lệ người bệnh thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm ưu thế.
Đại diện Phòng Tài chính - Kế toán (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết hiện bệnh viện đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường và thanh toán qua thẻ điện tử ATM cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu.
Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến thăm khám đông, nhất là từ các tuyến dưới chuyển lên, nhiều người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh, nên trong quá trình triển khai vẫn còn những bất cập.
Một số bệnh viện như: Việt - Đức, Ung bướu Hà Nội, Phụ sản Hà Nội…, rất nhiều bệnh nhân khi được hỏi vẫn cho rằng họ đã quen với việc thanh toán bằng tiền mặt, dù biết là mang theo một khoản tiền lớn có thể gặp những rủi ro như mất mát tiền khi đi tàu xe và trong quá trình nằm điều trị.
Ghi nhận ý kiến một số phụ huynh ở Hà Nội cũng cho thấy họ cảm thấy khá bất tiện khi phải thực hiện chuyển khoản để đóng học phí cho con, do từ trước đến nay chưa từng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến hay mobile banking của ngân hàng.
Một số dịch vụ công vẫn chưa thu hút được khách hàng tham gia thanh toán trực tuyến |
Tháo gỡ điểm nghẽn
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Điển hình như việc người dân vẫn chưa thay đổi thói quen dùng tiền mặt và còn e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán vẫn tập trung ở khu vực đô thị và chưa vươn tới được khu vực nông thôn.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng, một trong những nguyên nhân khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa đi sâu sát vào đời sống người dân là do họ sợ gặp rủi ro trong các giao dịch. Thời gian qua thường xuyên xảy ra các vụ “bốc hơi” tiền gửi trong tài khoản ngân hàng khiến một số người e ngại.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thừa nhận mặc dù hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã tương đối đầy đủ nhưng muốn hình thức thanh toán này đi sâu vào đời sống người dân cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán và khắc phục một số tồn tại, hạn chế hiện nay.
Chẳng hạn như đối tác ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối phần mềm thanh toán với hệ thống chương trình của bệnh viện. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết sự cố nạp tiền, rút tiền và hoàn tiền vào thẻ chưa nhanh chóng, kịp thời, gây phản ứng ngược với mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần đa dạng hóa các giải pháp thanh toán. Thực tế, thời gian qua, nhiều giải pháp thanh toán mới xuất hiện tại Việt Nam như: quẹt thẻ, chạm vạch, QR Pay, nhưng hạ tầng cho phương thức thanh toán này chưa được nhân rộng ở vùng sâu vùng xa.
Do đó, với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện của người dân.
Theo các chuyên gia tài chính, với nhiều lợi ích xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng hiện nay của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Tuy nhiên, việc triển khai không nên nóng vội mà cần có lộ trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như cần có thời gian để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc chuyển đổi từ sử dụng tiền mặt sang sử dụng thẻ ngân hàng hoặc các ví điện tử. Điều này sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực do chính sách mang lại.
Huyền Anh