Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, đánh giá khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các ngân hàng là việc người dân tiếp cận dịch vụ thông tin tài chính rất hạn chế, thói quen dùng tiền mặt diễn ra thường xuyên với số lượng và quy mô giao dịch gần 90% là tiền mặt.
Xu thế hợp tác ngân hàng - viễn thông
Thống kê cho thấy, hiện nay mức độ thâm nhập về tài khoản cho người trưởng thành ở Việt Nam chỉ chiếm 31%, trong đó, số lượng người dân ở vùng nông thôn sử dụng tài khoản điện tử chiếm khoảng 25%.
Chính vì vậy, để người dân thay đổi thói quen, tiếp cận được với các dịch vụ điện tử hiện đại rất khó khăn. Tuy nhiên, bà Yến cho rằng đây cũng là cơ hội để các ngân hàng mở rộng dịch vụ phát triển tới tất cả người dân, tất cả các vùng từ thành thị đến nông thôn.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng việc liên kết với các công ty viễn thông sẽ giúp cho các ngân hàng dễ dàng tiếp cận hơn với nhóm khách hàng ở vùng sâu vùng xa do mạng lưới thông tin của các công ty viễn thông rất rộng khắp và đầy đủ. Các doanh nghiệp này hoàn toàn đủ năng lực cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ tài chính toàn diện cho người dân.
"Việc hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp viễn thông để cùng phát triển sẽ trở thành xu thế trong thời gian tới", bà Yến đánh giá. Bà Yến cũng cho biết thêm rằng Vietcombank cũng đã mở rộng và hợp tác, liên kết, song hành cùng các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất, bao gồm từ những dịch vụ thanh toán đơn giản như thanh toán tiền điện, tiền nước… hay phức tạp hơn như đầu tư tài chính cho các khách hàng.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, cho biết trong năm nay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt có sự bùng nổ mạnh mẽ từ phía các ngân hàng, công ty fintech và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán thông qua việc tiếp cận với các giải pháp xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới để ứng dụng vào Việt Nam như: xu hướng cung cấp phương thức thanh toán QR code, xây dựng các app thuận tiện trên điện thoại thông minh để kết nối với ngân hàng thanh toán. Sự liên kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông đang bắt đầu bằng việc xây dựng ngân hàng số tích hợp cả hệ thống Ví, thẻ vào một.
"Hiện nay, các ngân hàng đang tiến tới xây dựng hệ sinh thái, không chỉ có ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán, mà ngân hàng cùng nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống doanh nghiệp và các tổ chức để xây dựng hệ sinh thái xoay quanh trục làm sao để cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho người dân và phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt", ông Thắng nói.
Nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ đã chấp nhận thanh toán bằng Ví điện tử |
Không nên giới hạn Ví
Theo vị lãnh đạo LienVietPostBank, việc xây dựng hệ sinh thái gặp khó khăn là làm sao kết nối được nhiều đối tượng. Ví dụ như ngân hàng làm sao kết nối được với nhiều nhà cung cấp dịch vụ và phải kết nối được đích cuối cùng là người tiêu dùng. "Đó là cả một quá trình từ trao đổi đến hợp tác giữa nhà cung cấp dịch vụ - ngân hàng - khách hàng.
Ví dụ, khách hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho khoản tiền điện hàng tháng thì ngân hàng phải kết hợp với các công ty điện, sở điện lực… Tuy nhiên, khó nhất là tạo được sự đồng thuận, cộng hưởng giữa ngân hàng, các công ty cổng thanh toán với các đối tác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi và hoàn thiện pháp lý nhằm tạo điều kiện giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ trên một chính sách để bất cứ lúc nào và ở đâu người dân cũng có thể nộp tiền mặt vào điện thoại.
Chẳng hạn, một người dân ở vùng nông thôn có 20 triệu tiền mặt và 1 cái app Ví điện tử, nếu Ví hết tiền vào thời điểm ngoài giờ hành chính thì không nộp được tiền vào Ví. Như thế, người dân bắt buộc phải sử dụng tiền mặt.
"Hiện nay, khách hàng phải đến ngân hàng để nộp tiền mặt vào hay phải mở tài khoản mới giao dịch thì làm sao mà thanh toán không dùng tiền mặt phát triển được", ông Thắng nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp, lãnh đạo một số ngân hàng kiến nghị NHNN cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, Ví điện tử và khi cần họ có thể rút ra được bất cứ lúc nào và ở đâu.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng không nên giới hạn mỗi người dân chỉ mở một Ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ. Mỗi Ví điện tử có một công dụng và ưu điểm khác nhau, như Ví Việt ưu điểm gửi tiết kiệm, Viettel pay thanh toán truyền hình…
Trường hợp người dùng có nhiều tài khoản ngân hàng muốn kết nối với ví sẽ gặp khó, hoặc người dùng đã mở nhiều ví kết nối với nhiều tài khoản khác nhau phải xử lý ra sao.
"Chẳng hạn, hiện nay ví điện tử đều dùng trên app nên nếu có 2 cái điện thoại thay vì 2 máy dùng một ví thì 2 máy tôi dùng 2 ví. Đó cũng thuận tiện và còn san sẻ được rủi ro. Do đó, nên để khách hàng chọn lựa", ông Thắng nói.
Hoàng Hà