Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết thời gian qua, NHNN đã phát hiện các rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh với các nước trên thế giới, tỷ lệ rủi ro qua thanh toán thẻ tại Việt Nam cũng khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới.
Tỷ lệ lừa đảo qua thẻ thấp
Theo thống kê của Visa, trong khoảng thời gian 3 năm từ 2016- 2018, Việt Nam có tỷ lệ lừa đảo bằng thẻ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thấp gần nhất thế giới. Tỷ lệ lừa đảo liên quan đến thẻ ở Việt Nam luôn thấp hơn trung bình khu vực và một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan.
Cũng theo số liệu của Visa, từ năm 2017- 2018, tổng giá trị giao dịch được thực hiện bởi người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa tăng 37%, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 25%. Đặc biệt, thương mại điện tử chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch bằng thẻ Visa là 40%.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam, cho biết rủi ro trong thương mại điện tử đối với thẻ không xuất trình đang ngày càng tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam hiện có tỷ lệ rủi ro thấp nhất trong khu vực, tuy nhiên Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nên cũng cần có các biện pháp tích cực để củng cố, phòng ngừa rủi ro.
Theo phân tích của các chuyên gia, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: Rủi ro về cơ chế chính sách, thói quen người sử dụng, dịch vụ thanh toán, và đặc biệt là rủi ro bởi hạ tầng thanh toán.
Ông Nguyễn Thành Chung – Phó trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), chia sẻ trong 6 tháng đầu năm 2019, các phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm là: Lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin thẻ, làm giả thẻ rút tiền tại ATM; thanh toán khống qua POS; mở, sử dụng tài khoản thẻ mạo danh, nặc danh để nhận tiền lừa đảo; rà quét lỗ hổng bảo mật, tấn công hệ thống cơ sở dữ liệu của các công ty trung gian thanh toán…
Phương thức được tội phạm sử dụng là đánh cắp thông tin thẻ tín dụng bằng một thiết bị nhỏ (skimming) để sao chép thông tin khách hàng thông qua thẻ ATM dải từ để lấy cắp tiền trong tài khoản người dùng.
Người dùng vẫn còn lo ngại với các hình thức thanh toán di động |
Nhanh chóng chuyển thẻ chip
Đại diện công ty Microtec đánh giá skimming hiện vẫn đang là loại hình gây thiệt hại lớn nhất (chiếm 96%) trong các loại hình gian lận tại ATM mà một trong những lý do là lượng thẻ từ trên thế giới vẫn còn nhiều.
Đặc biệt, tội phạm công nghệ sẽ tiếp tục nhắm vào các quốc gia chưa chuyển đổi sang thẻ chip EMV và khu vực ASEAN đang là đích đến của những tội phạm như vậy.
Thẻ chip EMV có độ bảo mật cao hơn và không dễ bị sao chép thông tin vì đối tượng tội phạm thẻ phải sao chép được 2 mã xác thực điện tử trên thẻ này mới đánh cắp được thông tin khách hàng.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh ứng dụng thẻ chip EMV sẽ giảm được những rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ ứng dụng chip EMV trong phát hành thẻ của Việt Nam thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, hiện có 7 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa. Và 3 công ty thẻ, 4 công ty thiết bị đầu cuối đã được cấp chứng nhận Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa Việt Nam (VCCS).
“Số lượng các ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip còn rất hạn chế. Do đó, các ngân hàng nên đẩy nhanh tiến độ triển khai thẻ chip để phòng chống rủi ro”, bà Dung khuyến cáo.
A05 dự báo trong thời gian tới, tình trạng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc sang Việt Nam thực hiện hành vi tội phạm trên sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc cài đặt, nâng cấp phần mềm, phần cứng chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ, thiết bị bảo vệ bàn phím…
Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng đến năm 2020. Theo kế hoạch, cuối năm nay, các ngân hàng chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa sang thẻ chip, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chíp tiếp xúc và không tiếp xúc.
“Về việc giám sát quản trị rủi ro trong thanh toán thẻ và hoạt động trung gian thanh toán của NHNN, hiện NHNN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán, cơ chế chia sẻ phí cho các giao dịch thanh toán thẻ nội địa trên ATM/POS, chế tài xử lý vi phạm trong thanh toán thẻ và trung gian thanh toán…”, ông Sơn cho hay.
Hoàng Hà