Năm 2018, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống kết nối thanh toán của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 164% so với năm trước, cho thấy thói quen của người tiêu dùng trong thanh toán đang dần thay đổi theo hướng tích cực.
Tham vọng bành trướng thị phần
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến giữa cuối năm 2018 có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Đa phần trong đó, tức hơn 20 đơn vị là ví điện tử, còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán…
Có nhiều lý do để các doanh nghiệp (DN) chọn ví điện tử là “điểm đến”, bởi ví điện tử được ví như “siêu ứng dụng”, khi sở hữu một ví điện tử, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán từ dịch vụ gọi xe, đồ ăn, xem phim đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu trong gia đình như điện, nước… Đặc biệt, Việt Nam là thị trường đông dân, giới trẻ nhiều, thích công nghệ, tỷ lệ dùng smartphone cao và tỷ lệ người dân chưa có tài khoản ngân hàng còn cao.
Thời gian qua, nhiều ví điện tử tỏ rõ tham vọng bành trướng tại thị trường Việt Nam bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn, mở rộng thị phần. Trong năm 2018, số lượng khách hàng sử dụng ví điện tử MoMo đã đạt gần 10 triệu người dùng. Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc ví điện tử MoMo, cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ tăng gấp đôi lượng khách hàng này.
“Sự tăng trưởng vượt bậc của MoMo trong năm vừa qua là nhờ việc gọi vốn đầu tư thành công ở vòng thứ ba từ Warburg Pincus – là CTCP tư nhân hàng đầu toàn cầu và là nhà đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Khoản đầu tư này đã tạo thành nguồn lực khổng lồ để mở rộng hệ sinh thái thanh toán MoMo và hiện thực hóa mong muốn phát triển hàng triệu điểm chấp nhận thanh toán MoMo trên toàn quốc”, ông Đức nói.
Để đạt được mục tiêu trong năm nay, MoMo sẽ tập trung phát triển nền tảng thanh toán trên di động mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi; đồng thời phát triển mạng lưới đối tác online, offline, O2O (online to offline) trên quy mô toàn quốc.
Một số ví điện tử khác cũng tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường bằng việc rải tiền để đầu tư, quảng bá hình ảnh như ví điện tử ZaloPay (của VNG) hay AirPay (của SEA), VCB Pay, YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank) và sự vào cuộc bứt phá mạnh mẽ của tên tuổi mới trên thị trường là Grab với Moca…
Cuộc đua giành thị phần của các ví điện tử ngày càng khốc liệt |
“Bóng dáng” nhà đầu tư ngoại
Hầu hết các ví điện tử có tên tuổi trên thị trường Việt Nam hiện nay đều có “bóng dáng” của các nhà đầu tư ngoại.
Chẳng hạn, CTCP M_ Service (đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo) có sự góp vốn từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs. VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc; 90% vốn của CTCP 1Pay thuộc về Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan…
Ngoài ra, một số “đại gia” ngoại có tiềm lực kinh tế không chọn cách xâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng cách “bắt tay” với DN nội như những “đàn anh” đến trước, mà “một mình một ngựa” trực tiếp vào thị trường.
Mới đây, EVENS E-CASH, một DN công nghệ đến từ Hàn Quốc, phát đi thông báo dự kiến cuối năm 2019 sẽ chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.
Đại diện EVENS E-CASH cho biết công ty này sẽ có hướng đi riêng, khác với các ví điện tử đang có mặt tại thị trường Việt Nam, đó là sản phẩm dành cho lứa tuổi chưa được sử dụng thẻ ngân hàng. EVENS E-CASH là sản phẩm thanh toán ngang hàng không qua trung gian dựa trên nền tảng blockchain, nên tính bảo mật cao hơn rất nhiều.
Theo giới chuyên gia trong ngành, mỗi ví điện tử có chiến lược phát triển riêng và có phân nhóm khách hàng mục tiêu, tuy nhiên việc lôi kéo người dùng ở Việt Nam không dễ.
Một chuyên gia nhận định, dù thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhưng hiện nay, thói quen dùng tiền mặt của người Việt vẫn phổ biến, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Ngoài ra, với những sản phẩm mới, khách hàng cần từng bước trải nghiệm được sự an toàn, tiện ích để tin tưởng sử dụng.
Để cạnh tranh được với những tên tuổi đã quen thuộc với thị trường như MoMo, ZaloPay hay “cặp đôi thế lực” Moca-Grab, hàng chục ví điện tử khác và các dịch vụ thanh toán di động truyền thống của ngân hàng, EVENS E-CASH bắt buộc phải chạy đua số lượng dịch vụ kết nối và yếu tố quan trọng nữa là các ứng dụng đó làm sao phải thuận tiện nhất đối với người dân.
Nếu không đáp ứng được những yếu tố trên, EVENS E-CASH sẽ khó trụ được thị trường tiềm năng nhưng cạnh tranh vô cùng khốc liệt này.
Hoàng Hà