Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, tăng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 450.000 điểm.
Ngân hàng đã sẵn sàng
Cập nhật số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.
8 tháng đầu năm khách hàng thanh toán qua kênh QR code tăng 66,81% về số lượng và 133,12% về giá trị so với cùng kỳ. |
Các con số này ghi nhận kết quả tích cực việc triển khai, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN trong thời gian qua.
Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phạm Đức Duy, giám đốc trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cho hay doanh số thanh toán không dùng tiền mặt những tháng đầu năm 2021 tại Sacombank tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó thanh toán online tăng 70% do ngân hàng tập trung đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc hạn chế lây lan dịch bệnh.
Mặc dù vậy, tiềm năng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất rộng lớn và kỳ vọng sẽ tăng tốc khi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định 1813. Mục tiêu tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80% năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35%-40%/năm.
Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước): Để khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng triển khai giảm phí chuyển tiền nhằm thực hiện tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp an toàn, giảm bớt khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19.
Tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu này đang trở thành hiện thực với sự chung tay của các ngân hàng, cùng với tác động từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ đến các khoản lớn như mua bán nhà đất..
Hầu hết các ngân hàng cho biết, đã sẵn sàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Đại diện VietinBank cho hay đã tập trung phát triển các tính năng "phi tiếp xúc" như rút tiền mặt bằng mã QR, thanh toán bán bảo hiểm, vay thấu chi online... nhằm mang tới sự thuận tiện cũng như tạo sự an toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch cho khách hàng
Không chỉ ngân hàng, nhiều khách hàng chia sẻ với VnBusiness cũng bày tỏ mong muốn thanh toán không dùng tiền mặt sẽ xuất hiện nhiều ở các cửa hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là lề đường. Anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) chia sẻ: "khi mùa dịch tôi làm việc tại nhà nên cũng ngại ra đường rút tiền. Vì vậy, hy vọng thời gian tới kể cả mua gói mì tôm người dân cũng dễ dàng sử dụng trả tiền qua chuyển khoản".
Thúc đẩy phòng chống tham nhũng
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, ngoài những lợi ích về kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt còn góp phần minh bạch dòng tiền phòng chống tham nhũng.
Ông dẫn chứng, ở các nước trên thế giới, vấn đề rà soát nguồn tiền, dòng tiền rất đơn giản thông qua việc in sao kê. Các hoạt động thanh toán trong mua, thuê nhà, mua cổ phiếu giá trị lớn đều được thực hiện qua ngân hàng, nên cơ quan quản lý rất dễ kiểm soát được vấn đề có cá nhân hay doanh nghiệp nào trốn thuế hay không. Ví dụ ở Mỹ, mỗi lần muốn thực hiện chuyển tiền trên 10.000 USD là phải chứng minh nguồn gốc của khoản tiền đó. Như vậy là để tránh hiện tượng rửa tiền.
Từ đó, ông cho rằng, Việt Nam cũng nên áp dụng các biện pháp "mạnh tay". Ví dụ, các món thanh toán trong nền kinh tế từ 100 triệu đồng trở lên phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hay như giao dịch bất động sản cũng phải không dùng tiền mặt.
Xu hướng của người dân là khi bán nhà họ thường kê khai giá trị thấp để trốn thuế. Như vậy nếu ép buộc các khoản thanh toán nhà đất, bất động sản, chứng khoán đều phải qua ngân hàng, cơ quan thuế có thể truy được và xem xét để truy xuất nếu có nghi vấn gian lận.
“Mọi thanh toán liên quan đến nhà đất, trái phiếu, đầu tư mà không qua ngân hàng sẽ rất bất tiện, và là điểm hạn chế nhất. Số tiền chuyển đi chuyển lại từ hoạt động đầu tư hiện nay rất nhiều. Nên các hoạt động thanh toán này phải qua ngân hàng”, ông Hiển kiến nghị.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn còn những băn khoăn: nền kinh tế đang trong quá trình nông thôn chuyển lên kinh tế đô thị và kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là có đô thị nhỏ trong nông thôn nên vẫn có thói quen tiêu xài tiền mặt. Một vài vùng có địa lý xa xôi, các phương tiện thanh toán bằng công nghệ chưa có nhiều thì buộc phải dùng tiền mặt.
"Vì vậy, để thay đổi được thói quen của người dân cần có tiến trình từng bước. Chẳng hạn, NHNN cần nhanh chóng triển khai Mobile Money...", ông Hiếu nói.
Hay như các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ chiếm khoảng 3/4 tổng mức bán lẻ của Việt Nam, đây là nơi lưu thông lượng tiền mặt rất lớn. Cần quy định rất rõ là phải ứng dụng các biện pháp thanh toán không tiền mặt tại các điểm này. Chẳng hạn, các siêu thị nhà hàng cũng có thể đưa ra quy định, với khoản mua hàng nào trên 5 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng, qua thẻ… thì người dân cũng sẽ thực hiện.
Thanh Hoa