Sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức thanh toán không tiền mặt và việc cập nhật nhanh chóng xu hướng thanh toán sẽ giúp doanh nghiệp không phụ thuộc vào lối kinh doanh truyền thống và gia tăng cơ hội bán hàng. Còn người dân vẫn đảm bảo được nhu cầu mua sắm và phòng chống dịch.
Người dân thanh toán tiền khám bệnh qua ngân hàng số. (Ảnh: Int) |
Không dùng tiền mặt để phòng dịch. Chưa bao giờ thanh toán trực tuyến lại có mặt ở hầu hết các dịch vụ như hiện nay. Đại diện Saigon Co.op cho biết, hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.
Điển hình có thể kể đến các loại thẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, thanh toán quốc tế, ngoài ra còn có đầy đủ các loại hình thanh toán qua các app ứng dụng công nghệ, thanh toán bằng QR code, ví thanh toán điện tử… ở hầu hết các chuỗi mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op.
Trong đó có một số app, ví điện tử hiện đại vừa có mặt trên thị trường trong thời gian gần đây cũng được Saigon Co.op tạo điều kiện tối đa cơ hội tiếp xúc khách hàng nhằm góp phần đẩy nhanh hơn lộ trình số hóa trong thanh toán trên hệ thống.
Trên cơ sở đó, bên cạnh việc triển khai đa dạng phương thức thanh toán không tiền mặt cho người mua, các tổ chức tài chính cũng nhanh chóng vào cuộc và cho ra mắt các công cụ chấp nhận thanh toán tương ứng dành cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến từ nhiều năm nay đã có sự chuẩn bị về nền tảng, dịch vụ. Ví dụ như tại Napas đã phát triển thêm tính năng cho các loại thẻ chíp nội địa, cũng như phát triển thanh toán qua mã QR, phối hợp cùng cổng thanh toán dịch vụ công quốc gia để cung cấp dịch vụ thanh toán về thuế, phí… cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Phạm Châu Loan, Phó trưởng phòng kênh số đối tác Vietcombank cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đang được đánh giá là một trong những giải pháp “cứu cánh” để duy trì nền kinh tế được vận hành bình thường.
“Dịch bệnh chính là “phép thử” hiệu quả để khách hàng chấp nhận và sử dụng rộng rãi các phương tiện thanh toán trực tuyến. Dịch bệnh cũng là “phép thử” cho các đơn vị cung cấp về khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, đại diện Vietcombank nhấn mạnh.
Lực đẩy thanh toán trực tuyến. Nhận định về thị trường thanh toán trực tuyến hiện nay, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh ví điện tử Foxpay cho rằng, thị trường tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có việc chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, số lượng hàng hóa tiêu dùng ít hơn nhưng giá trị hàng hóa lại tăng lên do nhu cầu về chất lượng. Đặc biệt, người dân đã thay đổi mạnh mẽ hình thức thanh toán từ tiền mặt sang trực tuyến.
Ông Đạt lấy ví dụ, đợt dịch bùng phát mạnh tại miền Nam gần đây đã khiến việc thanh toán tiền mặt trở nên phức tạp, người dân phải khử trùng tiền mặt để phòng tránh dịch bệnh. Do đó, Covid-19 là lực đẩy rất tốt cho việc chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Vietcombank, số lượng người sử dụng các kênh số của ngân hàng đã tăng trưởng vượt bậc, như: thanh toán qua thẻ ghi nợ nội địa tại Vietcombank đã tăng trên 80%...
Theo các doanh nghiệp, cùng với sự chuẩn bị từ lâu, nhiều chính sách, chủ trương và định hướng của Chính phủ cũng đã giúp thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Vì thế, nền tảng công nghệ đã sẵn sàng hoàn toàn cho thanh toán trực tuyến phát triển. Thanh toán trực tuyến hiện đã không còn phù thuộc nhiều vào thương mại điện tử, mà còn được sử dụng cho các tiện ích như thanh toán điện nước, điện thoại, phí, lệ phí…
Tuy nhiên, để phổ cập hơn, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần triển khai tài chính toàn diện đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để tính chất lan tỏa các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được rộng rãi hơn. Vì thế, việc xác thực thông tin khách hàng bằng eKYc rất quan trọng.
Còn theo bà Phạm Châu Loan, cản trở lớn nhất để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chính là thói quen của người tiêu dùng. “Khó có thể thay thói quen dùng tiền mặt trong một thời gian ngắn. Thực tế phòng chống dịch cũng là một động lực lớn để toàn xã hội cùng bắt tay vào thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi có thể. Không chỉ vì những khó khăn trong hoạt động ngân hàng mà còn là cách giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người, mọi nhà”.
Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, theo bà Loan, bên cạnh việc nỗ lực chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, như với các cơ sở y tế, giáo dịch, đơn vụ cung cấp dịch vụ công…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ thanh toán không tiền mặt trong thời gian qua đã tạo thành cuộc đua cạnh tranh giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các đơn vị trung gian thanh toán. Vì thế, các doanh nghiệp này phải tự thay đổi về sản phẩm, dịch vụ để phù hợp nhu cầu cũng như tăng tính cạnh tranh cho sự tồn tại, phát triển.
Huyền Anh