Các ngân hàng đang đầu tư mạnh cho các giao dịch thanh toán không tiếp xúc, xu thế này thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. |
Chị Hoài Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay trước đây không thường xuyên mua hàng online nhưng qua hai mùa dịch, "trình" mua sắm và thanh toán online của chị tăng vài bậc. Thanh toán online đã giúp chị rất nhiều trong hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh dịch. Không chỉ chuyển khoản như trước, giờ chị còn thanh toán online, thanh toán qua ví điện tử, nạp tiền điện thoại qua ví, đặt đồ ăn trả tiền qua app...
Nhiều ưu đãi từ kênh giao dịch online
Thực tế tâm lý và thói quen người tiêu dùng như chị Thanh đã có chuyển biến khá rõ rệt qua những chiến dịch khuyến khích hạn chế sử dụng tiền mặt. Người dùng đã thấy được nhiều lợi ích của việc sử dụng các loại thẻ, các ứng dụng thanh toán, vừa nhận được nhiều ưu đãi vừa không mất công mang theo tiền mặt.
Chẳng hạn, Sacombank đang áp dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng quốc tế cá nhân Sacombank trên các ứng dụng Baemin, Grab Food, Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…sẽ được giảm giá lên đến 30%, tối đa 200.000 đồng/đơn hàng, khách hàng thực hiện thanh toán quốc tế qua Internet Banking sẽ được miễn phí chuyển tiền.
Tương tự, VPBank đang có chương trình ưu đãi mua hàng trên Lazada thanh toán bằng thẻ tín dụng VPBank, khách hàng sẽ được giảm từ 50.000 đồng đến 10% giá trị đơn hàng...
Theo các chuyên gia, những ưu đãi mà các ngân hàng triển khai cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công nghệ để cải tiến quy trình, sản phẩm – dịch vụ thực chất là tận dụng sức mạnh của công nghệ để cải thiện sự hài lòng của khách hàng, mang đến hành trình trải nghiệm thuận tiện nhất sẽ là yếu tố quyết định thị phần của mỗi nhà băng.
Ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số của MB cho biết, công tác chuyển đổi số của ngân hàng luôn cần lấy khách hàng làm trung tâm, đồng nghĩa với việc ngân hàng cần chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang khách hàng. Đổi mới sản phẩm dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó cung cấp các giải pháp số đáp ứng được nhu cầu thực tế và đón đầu các xu hướng tiêu dùng mới.
Báo cáo "Retail Banking 2020" của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) chỉ ra, 40% khách hàng rời ngân hàng sau một trải nghiệm tồi tệ; và ngược lại, nâng tầm trải nghiệm khách hàng sẽ giúp ngân hàng giành được lợi thế cạnh tranh lớn trên "đường đua" chuyển đổi số.
Bởi vậy, đã có hàng loạt ngân hàng tập trung đẩy mạnh các tiện ích số nhằm "giữ chân" khách hàng và thu hút các khách hàng mới như: TPBank, MB, Techcombank, Sacombank…
Số lượng giao dịch tăng mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các ngân hàng đầu tư mạnh cho các giao dịch thanh toán không tiếp xúc trong nhiều năm trở lại đây và xu thế này thực sự bùng nổ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, an toàn, tiết giảm chi phí, mà ngân hàng cũng hưởng lợi nhờ có tệp khách hàng gia tăng, doanh thu từ dịch vụ cũng tăng đáng kể.
Ông Phạm Đức Duy, giám đốc trung tâm thẻ Sacombank cho biết, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt 5 tháng đầu năm 2021 tại Sacombank tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó thanh toán online tăng 70% do ngân hàng tập trung đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt là tăng trưởng mạnh của dịch vụ thanh toán online thông qua việc cung cấp dịch vụ cổng thanh toán cho các đối tác thương mại điện tử.
"Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng, các hình thức thanh toán không tiếp xúc gồm thẻ không tiếp xúc, ví điện tử - QR code, giao dịch mua hàng online rất được ưa chuộng", ông Duy nói.
Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết thanh toán không tiền mặt trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng vượt bậc so với cùng kỳ 2020. Như thanh toán bằng thẻ HDBank tại đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán trực tuyến, QR code... trong 5 tháng đầu năm 2021 so với 5 tháng đầu năm 2020 có tỉ lệ tăng trưởng gấp 5 lần.
Đặc biệt, dịch vụ thanh toán QR code trên app HDBank dù mới được HDBank triển khai đầu năm 2020 nhưng đã tăng trưởng đột biến, 5 tháng đầu năm 2021 doanh số tăng tới 682%, số lượng giao dịch tăng 528% so với 5 tháng đầu 2020.
"Tính từ tháng 3 đến nay khi dịch Covid-19 diễn biến trở lại và ngày càng phức tạp hơn, doanh số và số lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng số HDBank, app HDBank tăng khoảng 12% so với các tháng trước đó. Giao dịch trực tuyến (bao gồm các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán) mới tăng đột biến với tổng doanh số tăng 45% và tổng số lượng giao dịch tăng 22%", ông Trần Quốc Anh tiết lộ.
Đại diện VietinBank cho hay đã tập trung phát triển các tính năng "phi tiếp xúc" như rút tiền mặt bằng mã QR, thanh toán bán bảo hiểm, vay thấu chi online... nhằm mang tới sự thuận tiện cũng như tạo sự an toàn, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch cho khách hàng.
Huyền Anh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |