Nhận định về thị trường tài chính Việt Nam, tại Họp báo trực tuyến ra mắt báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 24/8, các chuyên gia WB đánh giá, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian.
Theo dõi chặt chẽ việc cơ cấu khoản nợ
WB cho rằng, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021. Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, đặc biệt là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5, đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu.
“Họ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, hiện vẫn còn có một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống”, Giám đốc WB cho hay.
Đặc biệt, các chuyên gia WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.
Trên thực tế, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa đầu năm 2021 để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế. NHNN giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%, và khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất thấp hơn hoặc tái cơ cấu các khoản vay đã có, miễn, giảm lãi, phí, và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Chất lượng khoản vay ngày càng xấu
Nhận định của WB có nhiều điểm tương đồng với các các chuyên gia kinh tế trong nước khi cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đạt 5,47% là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2021, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực để duy trì tăng trưởng tín dụng, khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn giảm.
NHNN dự tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5% vào cuối năm 2021. |
Đặc biệt, động thái hỗ trợ của NHNN trong bối cảnh hiện nay rất kịp thời, nhưng cũng mang theo những rủi ro tiềm tàng. Cụ thể, chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng.
Cũng phải nhắc lại, tại tờ trình số 08/TTr-NHNN báo cáo Chính phủ, NHNN dự báo đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức 1,54 - 1,91% và 3,43 - 3,84%.
Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5%.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu này vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế do do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Dù vậy, Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại phản ánh, Thông tư 03 chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 30/6/2020 và chỉ được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2021. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, trong hơn 3 tháng nữa, các doanh nghiệp vẫn chưa thể trả được nợ, nên nguy cơ chuyển nợ xấu rất cao.
Gay go nhất là theo Thông tư 03, những khách hàng được giải ngân sau ngày 30/6/2020 không được cơ cấu nợ. Trong khi đó, từ khi bùng phát đợt Covid-19 thứ tư, nhất là từ ngày 17/7/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải giãn cách xã hội, khiến hàng loạt khách hàng không có doanh thu, thu nhập, khả năng trả nợ suy giảm, song ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, dù rất muốn.
Thực tế, các ngân hàng cũng kiến nghị kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022. Nhiều ngân hàng thương mại ước tính, nợ xấu sẽ tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng nếu Thông tư 03 không được sửa đổi, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng vọt lên trên mức 2% vào cuối năm nay.
Trở lại với báo cáo của WB, một lần nữa bà Carolyn Turk khuyên rằng, Việt Nam cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.
"Thêm vào đó, cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II", bà Carolyn Turk khuyến nghị.
Huyền Anh