Trên thực tế, xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ đã được các ngân hàng thương mại xúc tiến thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu để thu hồi vốn. |
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Nam. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án "Trạm chiết nạp gas Hải Dương" gồm: các công trình, máy móc thiết bị; tài sản gắn liền với đất; 90.065 vỏ bình gas; ôtô các loại; 406.325 cổ phiếu Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải thuộc sở hữu của ông Nguyễn D.H.… Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 21,1 tỷ đồng.
Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là lô hạt nhựa các loại tại Lô 33A, Khu công nghiệp Cái Lân, phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh.
Cụ thể, tài sản rao bán gồm hạt nhựa nguyên sinh, bao hạt nhựa không nhãn mác, hàng nhựa tái chế, bao bì không nhãn mác, túi nilon, bao bì không xác định… Tổng khối lượng là 273.640 kg, với giá khởi điểm được chào bán là hơn 6,1 tỷ đồng.
Số hàng hóa này đều là tồn kho luân chuyển thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế phẩm nhựa Minh Tường Việt Nam, bao gồm lô hàng hóa hạt nhựa các loại: Hạt nhựa nguyên sinh LLDPE, HDPE, Hạt màu các loại, hạt tái chế, hạt không nhãn mác, vỏ thùng carton, túi nilon thành phẩm, bán thành phẩm…
Còn Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc phát mại loạt máy móc thiết bị sản xuất đèn led, thiết bị chiếu sáng led tại phường Phong Kê, TP. Bắc Ninh.
Tài sản rao bán gồm các máy băng tải tự động dùng để cấp bản mạch trong quá trình sản xuất, máy in kem hàn lên bảng mạch, máy di chuyển bản mạch, máy hàn đối lưu bằng phương pháp nóng chảy… với giá khởi điểm hơn 1,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, việc bổ sung, sửa đổi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng đang được đặc biệt quan tâm.
Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang rốt ráo triển khai thủ tục, hoàn thiện quy chế, quy trình nội bộ, phần mềm, trụ sở, nhân lực… để đưa sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động trong quý này.
Hiện có khoảng 3.000 tỷ đồng là số nợ còn lại được VAMC mua theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết: “Có khoảng 1.000 tỷ đồng là VAMC mua nợ và tái cấu trúc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nợ xấu đó phục hồi sản xuất kinh doanh. Hoạt động của VAMC sẽ gắn liền với hoạt động của đơn vị đó và khoản nợ sẽ không đưa lên sàn giao dịch nợ, bởi vì đây là dư nợ để tái cấu trúc, phục hồi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp".
Cùng với việc thành lập sàn giao dịch nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến với đề nghị xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Đây được xem là những bước đi tích cực giúp hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để các ngân hàng xử lý nợ, giảm áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai.
Huyền Anh