Theo Báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB), luỹ kế 6 tháng đầu năm, hoạt động chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 6.294 tỷ đồng.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là bởi chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay của ngân hàng tăng đột biến, lần lượt tăng gấp 2,8 lần và 4,2 lần so với đầu năm, tăng mạnh hơn tốc độ của thu nhập lãi tiền gửi và cho vay.
Ở chiều ngược lại, các hoạt động ngoài lãi của Techcombank lại có sự tăng trưởng khi lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, mang về gần 3.964 tỷ đồng, nhờ thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng mạnh 68%, đem lại 4.166 tỷ đồng. Đáng chú ý, nếu như mảng bảo hiểm là “con gà đẻ trứng vàng” cho Techcombank vào năm 2022 khi mang lại 617 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đứng thứ 2 trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ thì chỉ tiêu này đã lao dốc gần 53% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống mức 290 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm, Techcombank đã hoàn thành hơn 51% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. |
Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác tăng 62% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.996 tỷ đồng, do ghi nhận 1,775 tỷ đồng thu nhập từ bán bất động sản đầu tư. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận gần 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ đến hơn 248 tỷ đồng.
Mặt khác, kết quả từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm khi lỗ 240 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 1,2 tỷ đồng. Tương tự, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 88% so với cùng kỳ năm trước, đem lại 43,5 tỷ đồng cho ngân hàng.
Kỳ này, ngân hàng trích gần 1.342 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2 lần cùng kỳ, cùng với mảng hoạt động chính sụt giảm kéo lãi trước thuế giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11,272 tỷ đồng.
Năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu thu về 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã hoàn thành hơn 51% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Techcombank mở rộng 5% so với đầu năm, đạt 732.470 tỷ đồng, chủ yếu do số dư cho vay khách hàng tăng 11% lên 465.546 tỷ đồng. Trong cơ cấu cho vay, ngân hàng dành tới 153.692 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản, chiếm gần 33% tổng dư nợ. Số dư cho vay bất động sản tại nhà băng này đã tăng hơn 41% từ đầu năm và tiếp tục giữ vị trí “quán quân” toàn hệ thống về chỉ tiêu cho vay bất động sản tính tới thời điểm hiện tại.
Về chất lượng nợ cho vay, cũng tính đến cuối quý II/2023, tổng nợ xấu tại nhà băng này đạt 5.002 tỷ đồng, tăng mạnh 65% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 tăng mạnh nhất, với lần lượt tăng 64% và 78%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó cũng tăng từ mức 0,72% từ đầu năm lên 1,07%.
Về nguồn vốn, số dư tiền gửi của khách hàng đạt 381.900 tỷ đồng vào cuối quý II/2023, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) tăng từ 32% cuối quý I lên 34,9% vào cuối quý II - đảo chiều tăng trở lại sau 4 quý giảm. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248.600 tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm.
Thanh Hồng