Chính sách tiền tệ nới lỏng dần ngấm vào thị trường, lãi suất VND giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0,5%/năm, lãi suất cho vay trên thị trường cũng giảm theo. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch.
Tín dụng tăng thấp
Tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 4,73%, bằng 1/3 kế hoạch. Do đó, đầu tháng 7 nhà điều hành điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
NIM thu hẹp cùng với tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao hơn khiến lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể giảm tốc. |
"Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng", NHNN cho biết.
Tổng giám đốc một nhà băng cho rằng, tín dụng trong nửa đầu năm nay tăng thấp do sức hấp thụ vốn chậm lại khi nhu cầu tiêu dùng giảm, đầu ra của doanh nghiệp hạn chế. Đây cũng là khó khăn lớn đối với các ngân hàng, bởi tín dụng tăng chậm không chỉ khiến nguồn thu từ lãi giảm, mà còn kéo theo sự trì trệ của các dịch vụ đi kèm, tức nguồn thu ngoài lãi khó tăng. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu khó kiểm soát buộc ngân hàng phải gia tăng dự phòng rủi ro, đồng nghĩa với lợi nhuận bị “bào mòn”.
Trước đó, một số công ty phân tích thị trường đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) ước tính, nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV khá dè dặt khi lên kế hoạch kinh doanh với mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, chỉ khoảng từ 10 - 13%.
Điều này cũng được thể hiện trong kết quả điều tra mới đây của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh trong quý III/2023. Các TCTD kỳ vọng, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6% so với mức dự báo 13,7% so với dự báo trước đó.
Kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn, cầu tín dụng yếu, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nhiều ngân hàng không còn lạc quan về tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.
Lãi suất huy động giảm, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận không dễ dàng
Theo thông lệ hàng năm, từ giữa tháng 7 thị trường đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại. Nhưng đến nay mới chỉ có 3 ngân hàng công bố báo tài chính.
Ngày 19/7, TPBank công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo TPBank, 2023 được đánh giá là một năm khó khăn nên ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch phát triển thận trọng ngay từ sớm. Thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm chưa như kỳ vọng.
Cụ thể, đến cuối tháng 6, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.
Trước đó, LPBank công bố báo cáo tài chính quý II/2023 cho biết, lợi nhuận trước thuế quý II/2023 đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ thực hiện được 41% kế hoạch về lợi nhuận.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tháng 4, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của BacABank cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý vừa qua nhưng lũy kế 6 tháng vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý II của BacABank giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, đạt mức 474 tỷ đồng.
Sự suy giảm về lợi nhuận của LPBank, BacABank hay TPBank chưa mang tính đại diện cho ngành, nhưng phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém đi của các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, NIM thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng ở nhiều ngân hàng.
Trước đó, một số công ty chứng khoán cũng dự báo lợi nhuận ngân hàng trong nửa đầu năm sẽ có sự phân hóa mạnh. Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: ACB, Techcombank, TPBank và VPBank. Trong số này, TPBank có mức sụt giảm lợi nhuận dự báo mạnh nhất từ 21 - 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng như: BIDV, VietinBank, Vietcombank hay HDBank, MB... Nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận không quá cao so với cùng kỳ hoặc thậm chí đi ngang.
Mặc dù vậy, theo công ty chứng khoán VCBS, phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023.
Với sự phân hóa này, VCBS cho rằng, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn nhưng vẫn đem lại mức lợi nhuận có thể chấp nhận được trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Huyền Anh