Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhận định, phần lợi nhuận ngoài lãi sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận kế hoạch năm 2018. Trong đó, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh ở nhiều nhà băng.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 đang cận kề. Nhiều chuyên gia nhận định các ngân hàng sẽ có một năm kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng đột biến, bất chấp tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm ngoái.
"Mỏ vàng" mới
Theo đánh giá của hầu hết các công ty chứng khoán, dù nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ chậm lại từ cả giới hạn room của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và việc khống chế tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II từ năm 2020.
Tính đến ngày 30/11, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12%, thấp hơn so với mức 15,3% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, động lực tăng trưởng của ngành không mất đi do các ngân hàng vẫn còn dư địa tăng các nguồn thu ngoài lãi và cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), nhất là các nhà băng có thế mạnh về cho vay tiêu dùng.
Từ báo cáo tài chính của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm có thể nhận thấy sự tăng trưởng mạnh của thu nhập ngoài lãi. Đây là kết quả từ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu của nhiều nhà băng trong thời gian gần đây để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực về chất lượng thu nhập ngành ngân hàng.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thu nhập ngoài lãi của Vietcombank sẽ đạt mức tăng trưởng 48,6%, với tổng cộng 1.600 tỷ đồng trong năm 2018. Trong đó, các khoản thu từ thoái vốn khỏi OCB, Eximbank, MB và Vietnam Airlines sẽ đóng góp 16% vào khoản thu nhập ngoài lãi.
Trong khi đó, tại MB, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 1.688 tỷ đồng và có hơn một nửa đến từ hoạt động bảo hiểm với khoản lãi 860 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Còn Techcombank lại đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi từ hoạt động hoa hồng bảo hiểm.
Lợi nhuận từ hoạt động ngoài lãi được ví như "mỏ vàng" của các ngân hàng, nên ngay cả nhà băng quy mô nhỏ như VietBank cũng cho hay đã đầu tư 14 triệu USD vào ngân hàng lõi để có cơ sở dần chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ "độc canh" tín dụng qua dịch vụ.
Hiện, nguồn thu dịch vụ tại VietBank mới chiếm 3%, nhưng kế hoạch đến năm 2020 sẽ chiếm 20% tổng doanh thu. Riêng năm nay, VietBank kỳ vọng nâng nguồn thu từ dịch vụ lên 10%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trước đây, thu nhập ngoài lãi chỉ là một khoản mục nhỏ trong hoạt động kinh doanh nhưng nay đã trở thành yếu tố dẫn dắt chính cho lợi nhuận của ngân hàng.
Dư địa để các nhà băng tiếp tục mở rộng hoạt động ngoài lãi còn rất lớn |
Xu hướng tăng thu nhập ngoài lãi
"Ngành ngân hàng đang ở giai đoạn đầu của tăng trưởng thu nhập ngoài lãi, dư địa để các nhà băng tiếp tục mở rộng hoạt động ngoài lãi sẽ còn rất lớn", một chuyên gia nhận xét.
Thực tế, hiện nay, mảng kinh doanh ngoài lãi đang có sự phân hóa lớn. Một vài ngân hàng lựa chọn gia tăng thu nhập ngoài lãi với hợp đồng bancassurance (bán bảo hiểm) độc quyền như Sacombank, Techcombank…
Một số nhà băng lại đẩy mạnh cho vay bán lẻ với các công ty tài chính tiêu dùng. Có ngân hàng quan tâm hơn đến các nguồn thu dịch vụ từ phí thẻ tín dụng, dịch vụ trung gian thanh toán giao dịch bất động sản, thanh toán quốc tế và các khoản phí liên quan đến ATM, Internet Banking, Mobile Banking như Vietcombank, BIDV…
Các ngân hàng cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng.
Bên cạnh đó, có ý kiến nhận định rằng một nguyên nhân khác giúp ngân hàng đạt tăng lợi nhuận mạnh mẽ là những khoản thu nhập bất thường từ việc xử lý nợ xấu.
Đối với các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, khi thu hồi, ngân hàng sẽ được phép hoàn nhập chi phí dự phòng, từ đó làm tăng lợi nhuận. Còn đối với các khoản nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, những khoản thu từ các khoản nợ này được ghi nhận vào thu nhập khác của ngân hàng.
Những ngân hàng hoàn thành tất toán toàn bộ trái phiếu bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có mức tăng trưởng thu nhập khác nhanh nhất.
Cụ thể, ba ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu chuyển đổi với VAMC là Vietcombank, MB và ACB có lãi từ hoạt động khác trong 9 tháng đầu năm lần lượt là 3.034 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ); 1.000 tỷ đồng (tăng 68%) và 898 tỷ đồng (tăng gấp hai lần).
Hoàng Hà