Trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2018 về lĩnh vực ngân hàng, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ tăng 10,08%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ tăng 11,02%).
Dư địa tín dụng còn lớn
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế cuối năm 2017 ở mức 6,5 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng 17% trong năm nay, ước tính sẽ có thêm khoảng 1,1 triệu tỷ đồng được bơm qua hoạt động cho vay.
Theo ước tính của các chuyên gia, với mức tăng trưởng hiện tại, trong 3 tháng còn lại của năm sẽ có khoảng gần 500 nghìn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Trong năm nay, chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao cho các ngân hàng dao động 12-14%, nhưng số liệu báo cáo của 10 ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, TPBank, LienVietPostBank, ACB, HDBank, MB, VietinBank, BIDV, VIB, VPBank) cho thấy ngay trong quý II, tăng trưởng tín dụng của các nhà băng này đã gần chạm đỉnh.
Trong đó, có 6/10 ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10%: TPBank đạt 16,2%, HDBank: 15,1%, LienVietPostBank: 13,9%, ACB: 11,7%, Vietcombank: 11,4%, MB: 11,0%.
Nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra trong kỳ đại hội thường niên, kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của các ngân hàng như VIB, LienVietPost Bank, VPBank vẫn còn ở mức thấp, như: kế hoạch tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank là 20%, HDBank là 40%, VPBank là 25%…
Theo các chuyên gia, ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã kỳ vọng có thể xin hạn mức bổ sung nên đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao trên 20%, vì vậy đã sử dụng nhiều room tăng trưởng hồi đầu năm.
Tuy nhiên, năm nay, NHNN đưa ra Chỉ thị 04, theo đó sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại như thường làm. Vì vậy, tính đến hết quý II, hầu hết các ngân hàng trên đã gần cạn room tín dụng
Trong khi đó, xét theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng, hiện nay dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, nhưng thị trường chỉ còn dành cho những ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hồi đầu năm.
Chẳng hạn, tính đến hết tháng 6, Techcombank mới đạt mức tăng trưởng 2,3%… Còn lại những ngân hàng trên sẽ phải tìm cách phân bổ hợp lý hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho quý cuối năm.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%), huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ tăng 10,08%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ tăng 11,02%).
Nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng, nhưng mục tiêu toàn ngành còn cách xa |
Tìm đường khơi thông vốn
Theo các chuyên gia kinh tế và ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức dưới 17% là tốt nhất, bởi trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát trong nước luôn ở mức cao, việc đẩy cao tăng trưởng tín dụng sẽ là một nguy cơ.
Mặt khác, từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, nếu phải chạy theo mục tiêu cố gắng đạt được mức tăng trưởng 17%, bắt buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc giảm lãi suất vô cùng khó khăn với các ngân hàng bởi lãi suất huy động vừa trải qua một đợt điều chỉnh tăng.
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: “Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế trong năm 2018 sẽ thấp hơn tương đối so với mục tiêu 17%”.
Thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB đã khuyến cáo, từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tỷ giá tăng cao khiến mục tiêu lạm phát luôn bị đe dọa. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì số lượng.
Trước những đánh giá của giới chuyên gia, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng đặt ra ngay từ đầu năm khoảng 17% là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết quá trình điều hành sẽ tùy theo nhu cầu của nền kinh tế để điều chỉnh mục tiêu này có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Riêng về nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên, dư địa tín dụng vẫn dồi dào, các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho các lĩnh vực này.
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành ngân hàng, cơ hội nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại là rất mong manh, rất có thể tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay không đạt ngưỡng 17% như dự kiến từ đầu năm.
Thanh Hoa