Thị trường tiền tệ, tín dụng trong 9 tháng đầu năm chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thắt chặt khiến cho mức tăng trưởng tín dụng ở mức 9,52%.
Đã có một số ý kiến lo ngại việc tín dụng tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đã không xảy ra, cho dù tăng trưởng tín dụng năm nay có giảm tốc so với năm ngoái, không ít nhà băng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi cùng kỳ.
Lợi nhuận khởi sắc
Trong số các ngân hàng công bố báo cáo quý III/2018, TPBank có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 1.613 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước (807 tỷ đồng). Với lợi nhuận hiện tại, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch của cả năm.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý II, tính đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng của TPBank đạt 72.918 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm.
Như vậy, so với chỉ tiêu mà NHNN giao thì hết quý II, TPBank đã cạn room. Tuy nhiên, đại diện TPBank cho biết, để thúc đẩy gia tăng về doanh thu, tăng lợi nhuận, nhà băng này tiếp tục áp dụng và triển khai các giải pháp ưu việt về ngân hàng số, các chương trình thu hút khách hàng cũng như các hình thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, giúp giảm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nên đến hết tháng 9, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 440 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 314 tỷ đồng.
Với đà của kết quả kinh doanh này, đại diện TPBank tin tưởng năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chậm lại, nhiều ngân hàng thương mại không được nới room, nhưng các nhà băng sẽ phải xoay sở nhiều cách như: kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý, gia tăng thêm nhiều tiện ích cho khách hàng để mở rộng thị phần, mạng lưới kinh doanh, tăng các nguồn thu từ dịch vụ, các nguồn thu ngoài lãi khác để bù đắp cho tín dụng khi cạn dư địa cho vay. Do đó, các ngân hàng vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh và lợi nhuận như mục tiêu đặt ra.
Như vậy, có thể nói, những lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ không xảy ra.
Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng chính sách này không chỉ giúp nền kinh tế kiểm soát được lạm phát, mà các ngân hàng sẽ phải mạnh dạn tìm hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào tín dụng, cũng đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nợ xấu cho toàn ngành ngân hàng.
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần của nhiều nhà băng tăng mạnh |
Động lực tăng trưởng mới
Theo đánh giá của Bộ phận phân tích, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng, nhưng việc NHNN không cấp thêm tín dụng cho các ngân hàng đã cạn room và việc khống chế tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II từ năm 2020 sẽ khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Dù vậy, động lực tăng trưởng của ngành sẽ không mất đi do các ngân hàng vẫn còn dư địa tăng các nguồn thu ngoài lãi và cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), nhất là các ngân hàng có thế mạnh về cho vay tiêu dùng.
Cùng chung nhận định, CTCP Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng năm 2018 sẽ là một năm tăng trưởng đặc biệt của lợi nhuận ngành ngân hàng nhờ vào nhiều nguồn thu nhập không thường xuyên như: bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, bán các khoản đầu tư…
Thực tế, thống kê báo cáo tài chính của các ngân hàng thuơng mại từ đầu năm đến nay có thể thấy, tỷ lệ NIM và thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng đang tăng lên.
Trong đó có nhiều ngân hàng có tỷ lệ NIM tăng 100% như Vietcombank, Techcombank, VPBank, MBBank, ACB, HDBank, TPBank, Sacombank, VIB và LienVietPostBank… Do vậy, cho dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm có chậm lại so với cùng kỳ năm ngoài cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8% nhờ ngành vẫn tăng trưởng cho dù trong điều kiện tăng trưởng tín dụng được thắt chặt lại một chút.
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 9 tháng qua, NHNN khẳng định, tín dụng toàn ngành đang tăng trưởng hợp lý.
Vì vậy, trong 3 tháng còn lại của năm, chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế một chút tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu đặt ra đầu năm có thể sẽ được NHNN tiếp tục duy trì.
Huyền Anh