Bàn về giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen, tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đang triển khai thí điểm chương trình cho vay tín dụng tiêu dùng cho mục đích hiếu hỷ, ốm đau bệnh tật, đóng học phí… trong chương trình 5.000 tỷ đồng của Agribank tại Gia Lai (địa bàn điểm nóng về tín dụng đen) theo hướng ngân hàng phối hợp UBND xã, phường, các Hội đoàn thể để cho vay, lãi suất thỏa thuận đảm bảo bù đắp chi phí.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…
Đó là những giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần đẩy lùi và ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau một thời gian khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố đã đủ căn cứ để nhận diện hai nhóm vay đối tượng tín dụng đen và đưa ra một loạt giải pháp đồng bộ trong khả năng của ngành này.
Theo đó, có hai nhóm đối tượng thường tìm đến tín dụng đen. Một là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… và nhóm người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống.
Trong thời gian tới, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 để đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế người dân tìm đến nguồn vốn tín dụng phi chính thức khác.
Theo phản ánh của đại diện Công an tỉnh, thành phố, tín dụng đen chủ yếu xuất phát từ các nhu cầu vốn không hợp pháp lô đề, cờ bạc, cá độ... Trong 4 năm trở lại đây, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…, trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).
Hoàng Hà