Tính đến ngày 30/9, nợ xấu của Techcombank tăng 33% sau 9 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi, nợ có khả năng mất vốn tăng 31% và chiếm 59% tổng nợ xấu.
Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng khiêm tốn
Theo báo cáo tài chính quý III của Techcombank, cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 311.796 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm.
Đáng chú ý, cho vay khách hàng đạt 164.282 tỷ đồng, chỉ tăng 3,3% (5.822 tỷ đồng) so với cuối năm 2017 (158.459 tỷ đồng). So với thời điểm cuối quý II, cho vay khách hàng gần như không thay đổi, chỉ tăng nhẹ 101 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng tới 13% so với đầu năm, đến cuối quý III đạt 193.583 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, hoạt động tín dụng gần như không tăng trưởng nhưng thu nhập lãi thuần của Techcombank trong quý III lại tăng tới 52%, đạt 3.116 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 8.167 tỷ đồng.
Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng mạnh 45%, đạt 932 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 2.113 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của Techcombank trong quý III tăng 8% lên 1.315 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh khác của ngân hàng cũng ghi nhận kết quả khả quan, nhờ đó đưa tổng thu nhập hoạt động trong quý III đạt 4.635 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 9.560 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế trong quý III của ngân hàng đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Đáng nói, trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank tăng khá mạnh từ 157.064 triệu đồng lên mức 742.614 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 1.786.535 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.
Techcombank đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC |
Nợ xấu vọt lên hơn 2%
Được biết ngân hàng Techcombank đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Tuy nhiên, về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của Techcombank hiện đã tăng hơn 844 tỷ đồng lên mức 3.426 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 30/9, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là 425.663 triệu đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4): 948.730 triệu đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): 2.026.823 triệu đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu của ngân hàng tăng 33% sau 9 tháng đầu năm, trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%.
Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.
Trước đó, trong quý II, nợ xấu của Techcombank là 3.396 tỷ đồng, tăng tới 31,44% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.982 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm và chiếm 58,4% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank quý II ở mức 2,04% tổng cho vay, tăng khá mạnh so với mức 1,62% hồi đầu năm.
Như vậy, dù có nhiều chỉ số kinh doanh khả quan, nhưng nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro trong quý III tăng mạnh, cùng với đó cổ phiếu của Techcombank liên tục rớt giá trong thời gian qua, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.
Cổ phiếu TCB chào sàn HoSE ngày 4/6/2018, giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 1.165,5 triệu cổ phiếu (tương đương mức vốn hóa hơn 149.000 tỷ đồng), TCB trở thành mã chứng khoán có giá cao nhất sàn trong nhóm “cổ phiếu vua”, thậm chí mức giá này còn bằng tổng mức giá 3 cổ phiếu ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID).
Tuy nhiên, mức giá này đã không giữ được lâu sau phiên chào sàn. Những phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu TCB cũng có phiên tăng, phiên giảm nhưng sắc đỏ chiếm đa số.
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (26/10), cổ phiếu TCB ở mức giá 26.900 đồng/cp, nhưng chốt phiên giao dịch đã giảm còn 25.850 đồng, giảm 0,96%.
Hai phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu TCB của Techcombank cũng giảm lần lượt 0,70% và 3,50%.
Theo các chuyên gia, so với mức giá cao thời điểm chào sàn, tâm lý nhà đầu tư sẽ thấy cổ phiếu TCB không còn hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng khác vốn có tỷ lệ P/B (Giá/Giá trị sổ sách) thấp hơn nhiều như CTG, BID, VPB…
Một chuyên gia chứng khoán nhận định: “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ khó bỏ vốn ra để sở hữu một cổ phiếu có P/B trên ba lần như TCB”.
Huyền Anh