Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2022, có đến 88,3% TCTD dự kiến lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021. Tuy nhiên, vẫn có 6,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng
TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ (+35%) và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trước đó, VIB cũng thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế quý đạt 2.780 tỷ đồng. Hết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm đầu thị trường.
Tính đến cuối tháng 9, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tại Sacombank, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho biết, riêng quý III/2022, lợi nhuận trước thuế đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch.
Trong khi đó, các chuyên gia Công ty chứng khoán SSI vừa đưa ra dự đoán kết quả kinh doanh của một số ngân hàng niêm yết. Cụ thể, trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt từ 7.400 - 7.600 tỷ đồng, tăng khoảng 29 -33% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 15% và 3,5% so với đầu năm.
Với Techcombank, lợi nhuận trước thuế quý III tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ trước áp lực tăng chi phí vốn và nguồn thu nhập kém đa dạng hơn so với các kỳ trước.
Cũng trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế của BIDV ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ), được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với đầu năm và NIM ổn định so với quý trước.
VPBank có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.200 - 4.500 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng 55-65% so với cùng kỳ. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi NIM của ngân hàng mẹ được cải thiện so với cùng kỳ và chất lượng tín dụng được kiểm soát.
Với MB , lợi nhuận trước thuế dự kiến trong 9 tháng đạt khoảng 18.000 -18.500 tỷ đồng, tăng 50-60% so với cùng kỳ.
ACB là cũng là ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh. Theo SSI, việc hoàn nhập dự phòng của ACB sẽ không lớn như trong 2 quý đầu năm. Do đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 có thể đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng (tăng 80-87% so với cùng kỳ). Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, trong khi dư nợ các khoản vay tái cơ cấu lại có xu hướng giảm.
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Theo nhận định của giới chuyên môn, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 và 2021. Nguyên nhân là dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều khi tín dụng vẫn sẽ hướng đến mục tiêu tăng 14%/năm. Trong khi đó, NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, nhưng lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Thêm vào đó, từ đầu tháng 10, do phải giảm trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% xuống 34%, cũng có thể khiến chi phí vốn của các ngân hàng gia tăng (phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn).
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng vẫn tìm được “cửa sáng” để đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận nhờ hoạt động ngoài lãi. Chẳng hạn, tại TPBank, trong quý III, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng đạt tỷ lệ tăng trưởng hơn 78% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động dịch vụ khởi sắc mạnh nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm 2021.
Tương tự, Sacombank ghi nhận tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4% trong 9 tháng đầu năm, đóng góp lớn vào “bức tranh” lợi nhuận của nhà băng này.
Hay như tại VIB, tính đến hết quý III/2022, ngân hàng tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc. Bên cạnh đó, VIB tiếp tục được các tổ chức trung gian thanh toán hàng đầu thế giới như Mastercard đánh giá là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nhanh nhất và chi tiêu trên thẻ cao nhất Việt Nam
Còn theo báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong nửa cuối năm, với đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance (phân phối bảo hiểm) và phí thẻ.
Công ty chứng khoán Agriseco cho biết, doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng. Theo số liệu Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm ước đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng (tăng 15,6% so với cùng kỳ).
“Như vậy, mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, kỳ vọng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành”, báo cáo của Agriseco nêu rõ.
Huyền Anh