Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, huy động vốn là vấn đề rất nóng hiện nay, việc cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn vì tín dụng toàn ngành tăng 9,91%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,8%.
“Vị ngọt” khó kéo dài
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thời gian qua, lãi suất nhìn chung có ghi nhận mức tăng nhẹ. Lãi suất đầu vào tăng mạnh hơn lãi suất đầu ra.
Giới phân tích cho hay, diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như 2 năm trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng “kiếm bộn” từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số biên lãi ròng (NIM) tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với huy động khiến mặt bằng lãi suất huy động đã đi lên từ đầu năm tới nay, trong khi lãi suất cho vay chưa tăng kịp khi phải hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch, khiến NIM ngân hàng giảm xuống.
Các ngân hàng dự báo NIM sẽ giảm vào cuối năm. |
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy điều tương tự. Cụ thể, đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng ở mức 9,91%, thời điểm cuối tháng 6 là 9,35%. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng huy động xuống mức âm từ mức 4,51% tháng 6 xuống còn 4,21% tháng 7.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, các ngân hàng thường phải duy trì NIM thực tế ở mức 3% để đảm bảo lợi nhuận và khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu tăng. Nhưng hiện nay, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay ra khó tăng theo. Ngoài ra, từ ngày 1/10 tới, ngân hàng cũng phải có vốn dự phòng nhiều hơn khi cho vay (phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34%), buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn sẽ tác động lên kết quả hoạt động trong quý cuối năm 2022.
“Thông thường, phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động và nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM sẽ giảm vào cuối năm”, vị tổng giám đốc trên nói.
Nhiều khó khăn khác
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu kỳ vọng, một trong những giải pháp được các ngân hàng đang áp dụng là thắt chặt chi phí hoạt động, trong đó cắt giảm quy mô nhân viên nhằm tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn. Tuy nhiên, việc cải thiện NIM từ việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân công cũng đến giới hạn, bởi nếu không cân đối phù hợp có thể tác động xấu lên quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gia tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn…
Báo cáo tài chính gần nhất của các ngân hàng cũng đã cho thấy xu hướng đó, khi nhiều ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, như Sacombank tăng 86%, SHB tăng 64%, HDBank lãi thuần hơn 835 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi…
Trong khi đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong tổng tiền gửi của nhiều nhà băng trong quý II ghi nhận tăng trưởng, nhưng sụt giảm so với quý I. Chẳng hạn, tăng trưởng CASA của Techcombank 47,5% giảm so với hơn 50% trong quý I. MSB giảm từ mức 38,33% cuối quý I xuống còn 36,72% cuối quý II. VPBank cũng giảm mạnh đến 2,5% tỷ lệ CASA so với quý trước, xuống 19%.
Nguyên nhân là do dòng tiền từ tài khoản thanh toán có xu hướng chuyển sang kênh tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao do các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản chững lại. Tuy dòng tiền vẫn nằm ở nhà băng, nhưng có lo ngại sẽ bị rút khỏi ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh. Và như vậy, thu nhập lãi thuần của các nhà băng có thể bị thu hẹp, nguồn thu chính cho lợi nhuận sẽ bị tác động.
Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang “kẹp” trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại. Nếu các khách hàng trả nợ đúng hạn, thì ngân hàng sẽ có thêm room để cho vay, nhưng một lượng lớn khách hàng (kể cả đã được cơ cấu nợ) vẫn chưa thể trả nợ, khiến một lượng tiền bị giữ trong đó.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Trưởng khối phân tích Công ty tư vấn tài chính FIDT nhận định, NIM của các nhà băng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ rất khác nhau giữa các ngân hàng. Các nhà băng có tỷ lệ CASA cao có thể sẽ ít chịu tác động hơn, vì phần lớn nguồn vốn của các nhà băng này được huy động từ nguồn không kỳ hạn và tác động của việc tăng lãi suất lên loại vốn này cũng sẽ ít hơn so với tiền gửi có kỳ hạn.
Trong khi đó, Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng bất chấp một số lực cản, lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng có thể vẫn tăng từ 25-30% trong nửa cuối năm nay.
Huyền Anh