Kết quả điều tra vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tỷ lệ tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với kỳ trước (42,9% so với 40%). Đặc biệt, 100% TCTD thuộc nhóm 16 NHTM trọng yếu (kỳ trước 94,1%) cho biết đã đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức độ cao (trên 75%) trong 6 tháng đầu năm 2022.
Lợi nhuận tăng từ 20-40%
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,9%). Tín dụng tập trung cho lĩnh vực kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong vòng 20 ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng mở rộng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô gần 125.330 tỷ đồng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP ước tính lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng 20-40%. |
Đề cập về các yếu tố chính giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ này, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế phục hồi tốt hậu Covid-19 (GDP quý II/2022 tăng 7,72%, cao nhất trong 10 năm qua), tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, cộng với hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng tốt, áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm, giúp các ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm khiến nhiều ngân hàng đã cạn room. Theo tìm hiểu của VnBusiness, mặc dù tính chung 6 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng tích cực và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng nếu tính riêng mức tăng trưởng trong tháng 6 là tương đương so với tháng 4 và tháng 5, cho thấy tốc độ tăng của tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong quý II. (Cụ thể, cuối tháng 3 tín dụng tăng 5,97% ; cuối tháng 4 tăng 6,75%; cuối tháng 5 tăng 8,04% và cuối tháng 6 tăng 9,35%).
Lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP ước tính lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng 20-40%. Đơn cử, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ước tính, nửa đầu năm nay, Eximbank đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Hay như Ngân hàng TMCP TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, với sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận tăng gần 600 tỷ lên gần 2.200 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, 5 tháng đầu năm nay, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 30%. Tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng ấn tượng, giúp Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận cao.
Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ trong quý II của 27 ngân hàng niêm yết có khả năng tăng tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Yuanta ước tính thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng quý II/2022 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa cuối năm 2022 sẽ suy giảm?
Ngoài room tín dụng, các chuyên gia dự báo, yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng còn đến từ thu nhập phí. Yuanta dự báo thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, doanh thu bancassurance có thể thấp do hoạt động cho vay kém sôi động. Ngoài ra, chi phí hoạt động ước tăng khoảng 15%.
Các chuyên gia dự báo, ngân hàng vẫn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận lạc quan năm nay. Nhưng trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm của các ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thời gian tới. Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2022 là lãi suất.
Các công ty chứng khoán dự báo sau đợt mở thêm "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động sẽ được nâng cao thêm... “Lãi suất huy động dự báo có thể tiếp tục tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2022.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7%/năm”, VnDirect nêu quan điểm.
Hiện nay, 100% ngân hàng TMCP tư nhân đều đã tăng lãi suất huy động từ 0,3-1,0 điểm điểm phần trăm, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý I và đầu quý II. Đầu tháng 7, hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối là BIDV và Agribank đã tăng 0,1 điểm phần trăm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi đó lãi suất cho vay chưa thể tăng ngay mà có độ trễ nhất định. Điều này sẽ làm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng nửa cuối năm có nguy cơ giảm, ngoại trừ một số ngân hàng duy trì được tỷ lệ CASA cao.
Ngoài ra, theo các TCTD, trong số các nhân tố khách quan, "sự cạnh tranh từ các TCTD khác" tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm "suy giảm" tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2022 và dự kiến cả năm 2022.
Trong khi đó, "cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị" cùng với "điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp "cải thiện" tình hình kinh doanh của TCTD.
Huyền Anh