Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm (từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021). CAR của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn (chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank - hiện đang áp dụng Thông tư 22).
Lãi suất năm 2022 sẽ được NHNN điều hành ra sao?
Trao đổi với báo giới sau buổi họp báo ngày 28/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2022 NHNN điều hành lãi suất theo hướng ổn định. Các đơn vị phải rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu… để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, cộng với hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng chung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần thiết ưu tiên.
![]() |
Các ngân hàng thương mại Nhà nước đề xuất tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu, giữ lại cổ tức… để tăng năng lực tài chính. |
Mặc dù vậy, theo các ngân hàng thương mại, dư địa giảm thêm là rất khó, vì hiện nay lãi suất huy động đã rất thấp. Việc duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi so với năm 2021 cũng là áp lực lớn với ngành ngân hàng.
Thực tế, hiện nay với 5 lĩnh vực ưu tiên, trần lãi suất cho vay VND mà NHNN quy định là 4,5%. Lãi suất thực mà các ngân hàng đang cho vay bình quân khoảng 4,3%.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, trong năm 2021, Agribank đã thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực, tiên phong triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khách hàng và công tác an sinh, xã hội: chủ động cắt giảm chi phí hoạt động 10%, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng và giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán với tổng mức giảm khoảng 6.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu: NHNN tiếp tục triển khai kịp thời chính sách tiền tệ góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Đặc biệt, phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...
Nhận định về mặt bằng lãi suất cho vay năm 2022, ông Ấn cho hay: “Hiện lãi suất huy động đã rất thấp, nếu giảm tiếp, người gửi sẽ đầu tư vào kênh khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng. Mặc dù vậy, Agribank vẫn sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19”.
Vốn vẫn là vấn đề cấp thiết
Tuy nhiên, để thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức quan trọng cho các ngân hàng.
Chủ tịch Agribank cho biết, hiện nay việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8-10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, Agribank đang gặp rất nhiều khó khăn để tăng vốn do là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách.
“Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 và dành ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Điều này sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa", ông Ấn kiến nghị.
Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 22, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) giảm từ 90% xuống còn 85%. Với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, tỷ lệ này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải duy trì trên 230 ngàn tỷ không được cho vay. Trong khi đó, do đặc thù nguồn vốn của Agribank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn của dân cư huy động với lãi suất cao, chiếm 82% tổng nguồn vốn, đối tượng cho vay ưu tiên lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank lớn.
Chính vì vậy, Agribank đề nghị NHNN xem xét nâng tỷ lệ này cho các ngân hàng thương mại lên 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Vì vậy, áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022-2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Ông Tú đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)… Đặc biệt, cần luật hóa Nghị định 42 nhằm nâng cao tỷ lệ an toàn vốn và có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Huyền Anh