Năm 2021 đang dần khép lại, các doanh nghiệp chuẩn bị bước vào năm kinh tế mới 2022 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng đã ký ngay những tháng đầu năm.
Ngân hàng "tiếp sức" doanh nghiệp
Thời điểm này, nhà máy của Công ty TNHH sản xuất linh kiện điện tử LD (Khu công nghiệp Đồng Nai) đã hoạt động trở lại bình thường, số công nhân quay lại nhà máy đạt tỉ lệ cao. Bên trong nhà máy, các công nhân miệt mài sản xuất thiết bị điện tử với khoảng cách làm việc bảo đảm giãn cách để phòng dịch.
PVCombank dành gói tín dụng 9.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm cho nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. |
Ông Nguyễn Công Lâm, giám đốc công ty cho biết, hiện nay công ty đã hoạt động trở lại ổn định, đang sản xuất đơn hàng cho đối tác ở Mỹ, Nhật ngay trong mùa dịch nên có thêm khách đặt hàng, đủ đơn hàng cho cả năm sau.
“Để hoạt động ổn định trở lại, ngoài việc tăng tuyển dụng lao động, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, yếu tố quan trọng là doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp”, ông Lâm cho hay.
Tương tự, với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Vĩnh Yên, Tổng giám đốc Công ty Dahatsu (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội), cho biết, trở lại giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp dự tính thiếu hơn 500 tỷ đồng để duy trì hoạt động.
Sau khi làm việc với một ngân hàng thương mại tư nhận, chúng tôi đã được hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi 8%/năm và giải ngân theo 3 đợt (phụ thuộc vào năng lực sản xuất và đầu ra của các đơn hàng). Vì vậy, tuy còn khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, song doanh nghiệp đã nỗ lực tái sản xuất, đến nay việc sản xuất tại nhà xưởng đã ổn định trở lại.
“Dự báo sang năm 2022, nếu thị trường tiếp tục phục hồi tốt hơn, doanh nghiệp cũng sẽ tăng cường sản xuất, cung ứng các sản phẩm ra thị trường nhiều thêm, ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đáp ứng đầy đủ vốn để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Yên nói.
Để đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhiều ngân hàng đang triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp. Cụ thể, PVCombank dành gói tín dụng 9.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm cho nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Ngân hàng Nam Á cũng giảm lãi suất cho vay xuống còn 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, các ngân hàng thương mại cũng đã nới tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo, hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo là các nguồn thu từ tương lai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 như: MSB có gói cho vay bổ sung vốn lưu động với hạn mức vay 500 triệu đồng; gói bảo lãnh với hạn mức bảo lãnh ký quỹ đến 6 tỷ đồng.
"Năm 2022 NHNN sẽ không tập trung vốn cho những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản (ngoại trừ tín dụng cho nhà ở xã hội, cho nhu cầu mua bán nhà ở thực tế), cần thiết của người dân thì vốn sẽ được tiếp tục tăng cường vào đây. Những lĩnh vực dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản gây bong bóng sẽ được kiểm soát chặt chẽ và sẽ thanh tra, giám sát những khoản tín dụng có liên quan đến lĩnh vực này."
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN
Tương tự, VPBank đã nâng hạn mức gói cho vay không tài sản đảm bảo lên mức 3 tỷ đồng với thời hạn vay 36 tháng, đồng thời giảm 2% lãi suất cho tất cả các khoản vay áp dụng gói này…
Tín dụng năm 2022 dự kiến tăng 14%
Trước đó, các ngân hàng cũng đã xin nới room tín dụng để có thể có nhiều dư địa cho vay. Theo các ngân hàng, việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, nhiều ngân hàng chạm trần sẽ không thể tiếp tục cho vay. Điều này không ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng mà cả chính người dân và doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn, nếu không được cấp thêm hạn mức thì tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021; còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.
Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tính đến 28/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020 và dự kiến tính đến hết năm con số này sẽ là 14%. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.
Tín dụng tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, nông thôn (tăng 10,21%) so với năm 2020 và chiếm 25,11% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,45%; xuất khẩu tăng 7,81%; công nghiệp hỗ trợ tăng 20,86%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,86%.
Các chuyên gia cũng dự báo, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2022 lãi suất tiếp tục được giữ ổn định, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế dự kiến mức 14% và tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, còn siết chặt cho vay chứng khoán, bất động sản...
Ông Tú khẳng định, năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình tiếp tục hạ lãi suất cho vay, cộng với hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng chung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần thiết ưu tiên.
Để đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm 2022. Còn dư nợ năm 2022 có thể cao hơn nhưng cũng có thể thấp hơn mức này, tùy theo tín hiệu của nền kinh tế, nhu cầu vốn của nền kinh tế và đặc biệt là mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022.
Huyền Anh