Ngành ngân hàng vừa khép lại năm kinh doanh với nhiều bứt phá về tăng trưởng và những dự báo “tươi sáng” cho năm 2020.
Những thương vụ đình đám
Theo phán đoán của giới phân tích, ngay trong tháng 1/2020 sẽ có một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) mở màn. Cụ thể, dự kiến trong khoảng từ ngày 16 - 20/1, NCB sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát. Tại Đại hội, gần như 100% nhà đầu tư (NĐT) chiến lược mới của NCB sẽ lộ diện.
Trong khi đó, MB lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 7,5% vốn, tham vọng thu về 240 triệu USD. Đồng thời, 3 ngân hàng “0 đồng” là Ocean Bank, GPBank và CBank đang có nhiều NĐT nước ngoài mong muốn được tham gia tái cơ cấu lại.
Không chỉ dự đoán thương vụ M&A nói trên, thị trường cũng đang ngóng thêm một thương vụ “khủng” hơn vào đầu năm 2020. Đó là Vietcombank chào bán 6,5% cổ phần, tương ứng với gần 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng). Thương vụ này được đánh giá sẽ diễn ra thuận lợi vì Vietcombank hiện được rất nhiều NĐT ngoại quan tâm.
Nguyên nhân là bởi Vietcombank là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam (Big 4), luôn dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng, với mức lãi năm 2019 được cho là đã vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Trong khi đó, đại diện Agribank cho biết ngân hàng này đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị cổ phần hóa, chỉ còn lại duy nhất phương án sắp xếp xử lý nhà đất tại Tp.HCM đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.
VietinBank cũng đã đề xuất được thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020, để tăng vốn.
Ngoài ra, hàng loạt thương vụ M&A đình đám khác cũng đang “xếp hàng” đàm phán và chờ Chính phủ phê duyệt.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, đánh giá hoạt động đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng năm 2020 sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong đó phải kể đến những thương vụ M&A lớn, làm lành mạnh hệ thống. Tuy số lượng ngân hàng giảm nhưng số lượng các định chế tài chính sẽ tăng lên, đa dạng hơn về chủng loại và hoạt động trong thị trường chuyên biệt.
Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài khi muốn phát triển mạng lưới và thị phần tại Việt Nam có xu hướng tham gia vốn trong một tổ chức có sẵn thay vì thành lập định chế tài chính mới. Tuy nhiên, NĐT nước ngoài cũng yêu cầu được tham gia sâu hơn vào hoạt động quản trị, điều hành trong các ngân hàng mà họ đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm qua, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng đã cải thiện đáng kể sau giai đoạn I của quá trình tái cơ cấu và quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuẩn mực vốn theo Hiệp định Basel II được áp dụng từ năm 2020, giúp tình hình tài chính các ngân hàng lành mạnh hơn… Từ đó, các ngân hàng Việt đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài.
Mới có 17 ngân hàng thương mại niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch chứng khoán |
Cuộc “đổ bộ” của cổ phiếu ngân hàng
Bên cạnh M&A, năm 2020, thị trường cũng sẽ chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt “tân binh” ngân hàng trên sàn chứng khoán.
Hiện nay, mới có 17 trong tổng số 31 ngân hàng thương mại tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên 3 sàn giao dịch chứng khoán. Trong đó, 10 cổ phiếu được giao dịch trên HoSE gồm VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB và TPB; 3 cổ phiếu trên HNX là ACB, SHB và NVB; 4 cổ phiếu trên UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB.
Tuy nhiên, theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (sàn UPCoM). Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài và sự đầu tư vào ngân hàng có xu hướng tăng.
Thực tế, hiện nay, một số ngân hàng đã gửi hồ sơ niêm yết trên HoSE. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết OCB sẽ niêm yết trong năm 2020 khi thị trường chứng khoán thuận lợi hơn và trước đó sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho NĐT ngoại.
Trong năm nay, các ngân hàng chưa lên sàn không thể hẹn lần hẹn lữa với những lý do khi thì bởi yếu tố khách quan như thị trường chứng khoán không thuận lợi, lúc thì vì nguyên nhân chủ quan như cổ đông chưa thông qua, hay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn và chưa sẵn sàng để niêm yết...
Do đó, các chuyên gia dự báo năm 2020 sẽ có cuộc đổ bộ của hàng chục ngân hàng lên sàn chứng khoán.
Huyền Anh