Nguyên nhân là do hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều so với những năm trước, nên các ngân hàng không dám mạo hiểm đưa ra mục tiêu lợi nhuận khủng.
Đến nay mới chỉ có hai ngân hàng vừa tổ chức xong đại hội cổ đông (ĐHCĐ), nhưng cũng có 8 ngân hàng khác đã hé lộ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay.
Giảm mục tiêu tăng trưởng
Đáng chú ý, cả 10 ngân hàng này vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh trong năm 2019 nhờ kết quả tích cực ngay trong quý I.
Dù chưa tổ chức ĐHCĐ, nhưng TPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính kết quả kinh doanh quý I/2019.
Theo đó, kết thúc quý đầu tiên năm 2019, tổng tài sản đạt gần 140.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018. Vốn chủ sở hữu đạt 11,3 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.886 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với quý I/2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh khởi đầu tốt đẹp trong quý I, TPBank dự kiến sẽ đạt mức lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, cho hay thu nhập thuần trong quý I/2019 tăng 60- 70% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ các loại chi phí trong kỳ được tiết giảm tối đa. Năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm 2018.
Có thể thấy, dù hầu hết các nhà băng đều tham vọng mục tiêu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí trên chục nghìn tỷ đồng trước thuế như Vietcombank, T e c h c o m b a n k , VPBank…, nhưng nếu so sánh với con số tăng trưởng của năm ngoái lại có sự sụt giảm đáng kể.
Chẳng hạn, con số lợi nhuận 3.000 tỷ đồng mà TPBank đặt ra trong năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức độ tăng trưởng gần gấp đôi của năm 2018 so với năm 2017 (2.258 tỷ đồng so với 1.206 tỷ đồng).
Trong khi đó, MB có phần tự tin hơn khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 27%, đạt hơn 9.800 tỷ đồng trong năm nay, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 31% đạt được năm 2018. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.077 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8% – thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 65,7% năm 2018.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, với chính sách siết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2017 và 2018. Dù nguồn thu đột biến năm nay dự kiến tăng hơn năm ngoái nhưng khó bù đắp được phần sụt giảm từ tín dụng.
Chưa ngân hàng nào chính thức thông báo mục tiêu lợi nhuận tăng trên 30% |
Ưu tiên ngân hàng đạt Basel II
Tại họp báo kết quả điều hành quý I/2019, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết đến ngày 25/3/2019, tín dụng tăng 2,28% so với đầu năm và định hướng cả năm chỉ tăng ở mức 14%.
Lý giải về định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, NHNN cho biết, nếu tăng trưởng tín dụng cao thì áp lực huy động vốn đầu vào cũng rất lớn, khiến mặt bằng lãi suất bị tác động, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết đã có công văn thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng, trong đó ưu tiên chỉ tiêu ở mức cao hơn đối với các ngân hàng thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.
Cho đến nay, mới chỉ có VIB, Vietcombank và OCB được NHNN chấp nhận hoàn thành Basel II. Tuy nhiên, trong năm 2019, mục tiêu lợi nhuận của các nhà băng này vẫn giảm so với năm ngoái.
Vietcombank từng cho biết, năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%, đạt trên 20.000 tỷ đồng (năm 2018 đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017 và năm 2017 cũng đã tăng 33% so với năm 2016). Còn lợi nhuận của VIB trong hai năm qua tăng xấp xỉ 100%/năm.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc lên kế hoạch lợi nhuận cao thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo ngân hàng trong việc duy trì đà tăng trưởng, nhưng hoàn thành được mục tiêu đề ra hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tiếp được kiểm soát chặt chẽ như năm nay.
Để cải thiện lợi nhuận cũng như giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động dịch vụ.
Huyền Anh