Mới đây, việc một công ty thủy sản lớn đã từ chối việc được giảm lãi suất 0,1 - 0,2%/năm của một ngân hàng top đầu đã gây xôn xao dư luận. Một chuyên gia đánh giá, đến mức doanh nghiệp (DN) từ chối “món quà” hạ lãi suất, nghĩa là ngân hàng cần nhìn lại. Ngân hàng nên đối xử với DN như người bạn đồng hành.
“Khi dịch bệnh xảy ra, trên mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, ngân hàng nên chia sẻ thế nào để giữ được những bạn hàng tốt. Đây là thời điểm cần đồng hành với DN, ngân hàng đừng nghĩ chỉ câu chuyện lãi suất không”, chuyên gia này nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú. |
Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề giảm lãi suất hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5-2,0%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm các mức lãi suất cho vay.
NHNN đã ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD, tổ chức thanh toán miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng.
Ngoài việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không chuyển nhóm các DN thì việc giảm lãi là thiết thực nhất, cụ thể nhất. Thống kê sơ bộ, kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho DN, nền kinh tế của các TCTD là khoảng 18.830 tỷ đồng.
“Nếu tính các khoản hỗ trợ đã thực hiện từ đợt dịch năm 2020 đến nay, đã có hàng trăm nghìn DN lớn nhỏ được xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, lãi, được hỗ trợ lãi suất ở mức độ phù hợp với thực tế. Tất nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiêu chí để được hỗ trợ, có không ít DN phàn nàn, nhưng trong từng vụ việc, cần có sự phân tích cụ thể và từ hai phía”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Mới đây nhất, 16 tổ chức tín dụng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng.
Trong đó, riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước (VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank) mỗi ngân hàng đã cam kết và sẵn sàng dành thêm 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay đối với các DN, người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch cũng như các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều DN cho hay không được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ hoặc nếu giãn cũng chỉ 3-4 tháng trong khi từ giờ đến hết năm, doanh nghiệp vẫn chưa thể có doanh thu, chưa có nguồn trả nợ.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, mặc dù giải pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất đã phát huy hiệu quả song nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, trong thời gian tới, NHNN điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các DN. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề DN khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.
“Khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho DN trong thời điểm giãn cách. Mà cả khi kết thúc giãn cách, DN có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Chính vì thế, NHNN sẽ sửa lại hoặc ban hành Thông tư mới thay thế nhằm tạo sự rõ ràng, chủ động hơn, đồng thời khẳng định sự quyết liệt hỗ trợ DN, nền kinh tế của ngành Ngân hàng trong thời gian tới”.
Theo Phó Thống đốc, quan điểm của NHNN giảm lãi suất lần này rất quyết liệt, đảm bảo phải làm thật. Theo đó, từ nay đến cuối năm, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng báo cáo thường xuyên kết quả, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không.
Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Quan điểm của NHNN là dù các NHTM cũng hoạt động kinh doanh như một DN, nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với DN và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với DN, người dân là căn cơ và thiết thực. Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho DN, đòi hỏi các ngân hàng phải "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận”, ông Đào Minh Tú nói.
Thanh Hoa