Vietinbank đang rao bán nhiều tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. |
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2021 để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
Bán loạt bất động sản nghìn tỷ
Thời gian qua, BIDV cũng là một trong những ngân hàng liên tục phát mãi tài sản giá trị lớn để thu hồi nợ xấu. Mới đây nhất, BIDV thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm đấu giá là toàn bộ dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt của khách hàng tại BIDV tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ đấu giá khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/12/2020 là hơn 1.015 tỷ đồng).
Tài sản bảo đảm của khoản nợ này gồm: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại địa chỉ số 13 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM. Ngoài ra còn có nhiều tài sản khác đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn này tại BIDV.
Tương tự như Sacombank đưa ra mục tiêu cho năm nay là xử lý trên 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Do đó, thời gian qua ngân hàng cũng đang tiến hành nhiều hoạt động phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu. Mới đây ngân hàng này thông báo, sẽ đấu giá 5 khoản nợ của một số cá nhân và pháp nhân trong tháng 5/2021.
Hay như VietinBank Tây Hà Nội thông báo bán nợ của 2 cá nhân và 2 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 72 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán nhà, đất cầm cố gần đây cho thấy, khoản nợ xấu bất động sản tại ngân hàng không hề nhỏ. Khi dịch Covid-19 quay trở lại yêu cầu cấp bách với các ngân hàng bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng thì tích cực xử lý nợ xấu. Vì trên thực tế, nợ xấu mới đang tiếp tục dềnh lên và nếu những khoản nợ cũ không được xử lý, “sức khoẻ” của ngân hàng đáng báo động.
Từ thực tế này, hình thức gộp chung tài sản đảm bảo cho khoản nợ của khách hàng để rao bán đấu giá như BIDV hay Sacombank không phải là hiếm gặp. Bởi, trong bối cảnh thị trường bất động sản đã ấm lên và kỳ vọng sẽ tạo ra thanh khoản ở các giao dịch mua bán, từ đó ngân hàng sớm thanh lý nợ xấu.
Không dễ bán
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc gộp chung các các tài sản đảm bảo để bán, nhà băng mong muốn thu hồi nợ nhanh. Theo đó, ngân hàng sẽ hạ giá tài sản bất động sản so với giá thị trường. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, người mua nhà để ở có thể mua tài sản với giá thấp.
Nếu tài sản này được bán đấu giá thành công, tính thanh khoản tốt sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm quỹ đất mới phát triển. Còn ngân hàng cũng giải quyết món nợ, từ đó hoạt động ngân hàng trở nên minh bạch, vận hành tốt hơn.
Xoay quanh câu chuyện thanh lý tài sản đảm bảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, dù thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, tác động của dịch Covid-19 vẫn còn và dịch chưa biết khi nào mới chấm dứt. Vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp đầu tư ồ ạt, mà sẽ lựa chọn kỹ càng.
“Các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỷ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Thế nhưng, những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng không dễ gì rao bán thành công, thường phải mất nhiều lần rao rồi hạ giá mới thanh lý được”, vị này cho biết.
Bên cạnh đó, theo đại diện bộ phận xử lý nợ ở một số ngân hàng, khi gộp chung các khoản nợ của một doanh nghiệp để rao bán một lần, lượng hồ sơ cần xử lý cho từng tài sản sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, không ít các trường hợp phải dừng đấu giá tài sản đảm bảo nợ vay để xem xét lại các bản án vẫn là nguy cơ mà các ngân hàng phải đối mặt khi khách hàng vay nợ và người liên quan đến tài sản đảm bảo bất hợp tác.
Đối với người mua nhà đang nhắm đến các tài sản bất động sản được đấu giá này, ông Hiếu góp ý nếu mua tài sản phát mại vào mục đích để ở, giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường thì có thể mua. Nếu người mua phải vay ngân hàng để mua thì cần cân nhắc với bài toán tài chính.
Thanh Hoa