Sau động thái tăng phí dịch vụ ATM của Eximbank, Vietcombank, mới đây thêm một "ông lớn" nhập cuộc là Agribank, khiến câu chuyện về phí ngân hàng "nóng" trở lại.
Có một thực tế hiện nay là mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ATM đang phải trả hàng chục loại phí trong một năm mà không biết đâu là những loại phí chính, thu theo quy định của cơ quan quản lý.
Tăng phí vô tội vạ?
Liên quan đến thắc mắc này, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, cho biết Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ nêu rõ: Phí phát hành, thay đổi thẻ, phát hành mới, phí duy trì thường niên là những loại phí bắt buộc khách hàng phải nộp.
Riêng các phí dịch vụ thanh toán như: sao kê, phí giao dịch…, ngân hàng thu theo quy định riêng của mỗi ngân hàng, nhưng dựa vào quy định khung của Ngân hàng Nhà nước và người dùng có quyền lựa chọn hay không. Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn có thể thu mức 0 đồng tùy theo giá trị gia tăng mà bản thân ngân hàng muốn mang tới cho khách hàng.
Giao dịch thẻ tăng lên, cùng với việc thu hàng chục loại phí dịch vụ, khi ngân hàng có được nhiều nguồn thu hơn thì giá dịch vụ sẽ phải giảm đi. Tuy nhiên, xu hướng thông thường này không diễn ra, mà ngược lại, các ngân hàng liên tục tăng phí dịch vụ.
Chẳng hạn, Agribank vừa điều chỉnh tăng phí dịch vụ ATM như: phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng; phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Còn Vietcombank đã tăng thêm 20% từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/tháng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) tin nhắn báo phí dịch vụ và hàng loạt khoản phí khác.
Trong khi đó, an toàn bảo mật thông tin ở các ngân hàng còn thấp, nhiều nhà băng liên tục để xảy ra mất tiền của khách hàng trong thẻ ATM.
Theo các chuyên gia, những vấn đề trên sẽ tác động lớn đến chủ trương của Chính phủ khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng khi xu hướng không sử dụng tiền mặt tăng, các giao dịch được thanh toán bằng thẻ, các ngân hàng có điều kiện mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Tương tự như các nước, phí sẽ tính dần vào đơn vị chấp nhận thẻ mà không tính vào chủ thẻ.
Phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng |
Còn nhiều loại phí không phù hợp
Tại Hội nghị ngành ngân hàng năm 2018, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện có nhiều loại phí không hợp lý, gây bức xúc cho khách hàng.
Ông Hiếu phân tích: "Hiện nay, nhiều ngân hàng thu phí sao kê là điều hết sức vô lý. Khách hàng gửi tiền cho ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó để cho vay, kinh doanh lấy lãi. Khách hàng muốn biết số tiền hiện tại của mình tại ngân hàng cũng mất tiền. Thực tế có những sao kê về thông tin thẻ, sao kê khi chuyển tiền nội mạng, đó cũng là cách khách hàng cùng với ngân hàng quản lý tiền của mình, sao lại thu phí của khách hàng?".
Ông Hiếu cho biết ở Mỹ, các hoạt động rút tiền trong cùng ngân hàng không tốn đồng phí nào. Thậm chí có ngân hàng sẵn sàng miễn phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác cho khách hàng chỉ để thu hút khách hàng đến với mình._
"Các ngân hàng ở Mỹ chỉ thu một vài loại phí với mức tượng trưng. Họ quan niệm rằng khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là khách hàng cho mình vay để kinh doanh. Do đó, ngân hàng sử dụng tiền gửi của khách hàng để cho vay là đã sinh lời rồi. Còn ở Việt Nam, nhiều ngân hàng đang có tư duy khách hàng đến như là đi xin xỏ mình nên đưa ra phí là bắt buộc. Đây là tư duy không phù hợp", ông Hiếu nói.
Bình luận thêm về mức phí hiện nay, chuyên gia Nguyễn Thị Mùi cho rằng hầu hết khách hàng đều phản ánh ngân hàng đang tận thu và phí chồng phí là có cơ sở, bởi việc thu phí dịch vụ ở các ngân hàng hiện nay không minh bạch, chưa có nhà băng nào công khai việc đầu tư vào cây ATM tốn bao nhiêu tiền, vận hành hàng tháng chi phí ra sao, lượng khách hàng gửi tiền tăng lên như thế nào nhờ có cây ATM… Phải cộng tất cả các chi phí và nguồn thu vào, từ đó có những tính toán để thu phí cho hợp lý.
"Ngân hàng luôn cho rằng phí thu hiện nay rất thấp, họ đang phải bù lỗ để đầu tư và vận hành các cây ATM. Có ngân hàng đề xuất phải thu phí 7.000 đồng/lượt và phải theo xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, mức phí thẻ hợp lý tạo điều kiện cho cả ngân hàng và khách hàng. Có phải cứ đầu tư vào ATM bao nhiêu thì phải phân bổ hết cho người dùng bấy nhiêu không?", bà Mùi đặt câu hỏi.
Huyền Anh