Xử lý nợ xấu trong năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn |
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, NHNN hiện đã xây dựng được căn cứ pháp lý khá đầy đủ để thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 (từ năm 2016-2020). Hiện, NHNN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu 3/4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 9/10 ngân hàng liên doanh và nước ngoài.
Kết quả thu hồi nợ tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,99%, giảm mạnh so với mức 2,46% cuối năm 2016.
Trong các tháng đầu năm 2018 cũng đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực từ công tác thu hồi nợ ở các tổ chức tín dụng (TCTD) và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Tính đến hết tháng 2/2018, VAMC đã thu hồi tổng số tiền là 2.605 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch (cả năm là 24.890 tỷ đồng).
Ngoài ra, trong quý I, các TCTD cũng rốt ráo triển khai thu giữ và bán đấu giá nhiều tài sản đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các diễn giả cho rằng công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), cho biết các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo do nhiều trường hợp bên bảo đảm, bên vay thiếu hợp tác.
Việc mua bán nợ đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, song vốn của VAMC lại mỏng nhưng việc tăng vốn lại vô cùng khó khăn. Dù VAMC được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhưng không thể phát hành vượt vốn điều lệ (chỉ được tối đa 40% vốn điều lệ được cấp).
Giả sử với số vốn điều lệ hiện tại là 2.000 tỷ đồng, VAMC chỉ phát hành trái phiếu huy động thêm được 800 tỷ đồng. “Với năng lực tài chính như vậy, số nợ xấu mua bán theo giá thị trường sẽ rất hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC trong năm 2018 chỉ ở mức 3.500 tỷ đồng”, ông Anh khẳng định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra nợ xấu vẫn có dấu hiệu tăng ở một số ngân hàng, trong đó chủ yếu ở các khoản cho vay mua nhà mang tính chất đầu cơ, sửa chữa nhà…
Về vấn đề xử lý nợ xấu, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng một cách chủ động hơn, quan tâm hơn, nhiệt tình hơn. Đồng thời, ý thức trả nợ của bên đi vay cũng tăng lên, trong khi việc thanh lý tài sản đảm bảo cũng được tạo điều kiện hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro, nợ xấu xuất phát từ 3 phía: khách quan, khách hàng và ngân hàng. Do vậy, ngân hàng chỉ nên tăng trưởng dựa trên khả năng kiểm soát được rủi ro.
“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng không thực chất. Điển hình là các khoản nợ xấu mà TCTD xử lý bằng cách bán nợ trả chậm, hoặc là cho pháp nhân khách vay để mua lại dự án nhưng bản chất dự án không hề tiến triển để bảo đảm nguồn thu trả cho ngân hàng. Với thủ thuật này, tỷ lệ nợ xấu của TCTD giảm nhưng thực ra nợ xấu chỉ chuyển thành một khoản nợ mới khó xác định chất lượng tín dụng”, ông Anh nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, thời gian tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém. Triển khai đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường, đảm bảo khách quan, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.
Huyền Anh