Thị trường bất động sản đóng băng là một trong những nguyên nhân gây ra sự khó khăn cho ngành ngân hàng trong mấy năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đang sốt nóng, hút một lượng vốn tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực này khi tỷ lệ tín dụng trung, dài hạn tính dự kiến đến hết quý III/2018 đang chiếm tới 53,2% tổng tín dụng. Nhiều ý kiến lo ngại việc cho vay ồ ạt sẽ đẩy ngân hàng đi vào “vết xe đổ”.
Thị trường khởi sắc, nhiều dự án bất động sản đã khởi công trở lại |
Trả lời các cơ quan báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết thị trường bất động sản từ năm 2015 đến nay đã phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, vì vậy, NHNN đã và đang thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Đặc biệt, để kiểm soát đường đi của dòng tín dụng, NHNN đã phân loại để kiểm soát chặt chẽ đối với từng phân khúc thị trường địa ốc.
Chẳng hạn, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện thẩm định, xem xét cho vay các dự án có hiệu quả; Kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn, phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; Đặc biệt thận trọng quyết định cho vay đối với các dự án căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel) theo đúng quy định của pháp luật.
Thay vào đó, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Bên cạnh các văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro, NHNN cũng đã ban hành Thông tư quy định về tỷ lệ an toàn đối với các TCTD, nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Từ đầu năm 2018, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 45% theo lộ trình.
Ngoài ra, NHNN ban hành Thông tư quy định tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn LTV (Tổng số dư khoản phải đòi/giá trị tài sản đảm bảo) và phân ra nhiều mức hệ số rủi ro tín dụng từ 30 - 200% áp dụng đối với các khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản không kinh doanh, bất động sản kinh doanh, bất động sản hỗn hợp, dự án kinh doanh bất động sản.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), riêng năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%; hiện tượng dư cung đang xảy ra với phân khúc nhà ở cao cấp.
Quý I/2018, tín dụng trung hạn, dài hạn đã có dấu hiệu tăng trở lại, thông thường nhu cầu chủ yếu là cho các hoạt động như cho vay đầu tư xây dựng các dự án bất động sản, vay mua nhà hoặc vay tiêu dùng…
Theo NFSC, nếu tính toán một cách đầy đủ, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp (qua kênh cho vay tiêu dùng, cho vay xây dựng), tổng dư nợ cho vay bất động sản có thể lên tới hơn 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Thanh Hoa