Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia, khó khăn nằm ở chỗ Nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và nội dung bổ sung vốn cho NHTM nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Áp lực ngày càng lớn
Các chuyên gia cho rằng 4 NHTM nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank được xem là kênh chủ lực, đóng nhiệm vụ cung ứng chính cho chương trình vốn tín dụng của Nhà nước, đặc biệt những dự án trọng điểm.
Vì thế, trong những năm vừa qua, các nhà băng này có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 15- 16%/năm.
Tuy nhiên, vốn điều lệ của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank lại không được bổ sung kịp thời. Theo quy định, các NHTM có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) phải đảm bảo lớn hơn hoặc bằng 9%, nhưng 4 ngân hàng này hiện đang ở mức xấp xỉ 9%.
Hiện nay, chỉ có Vietcombank "dễ thở" hơn với áp lực tăng vốn nhờ vào thương vụ bán 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hồi cuối năm 2018 và hoàn thành việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn.
Dẫu vậy, áp lực tăng vốn của Vietcombank vẫn còn. Tại đại hội cổ đông mới đây, nhà băng này tiếp tục đề xuất phương án tăng vốn giai đoạn 2019-2020, đưa vốn điều lệ từ hơn 37.089 tỷ đồng hiện tại lên gần 55.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18.200 tỷ đồng (hơn 49%).
Tương tự, áp lực tăng vốn của BIDV phần nào được giảm bớt do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đang là 95,28% nên vẫn còn dư địa để bán bớt vốn nhà nước, đặc biệt là cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện, ngân hàng này đã đạt được thỏa thuận phát hành 603 triệu cổ phiếu cho đối tác ngoại là Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong năm 2019.
Cấp thiết về tăng vốn hơn cả là VietinBank, khi room cho nhà đầu tư ngoại đã kịch trần, CAR giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định. Trong cuộc diện kiến Thủ tướng Chính phủ mới đây, cổ đông chiến lược Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.
Đại diện của MUFG cho rằng việc này là hết sức cấp thiết và mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Tuy vậy, cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về phương án tăng vốn cụ thể.
Khó khăn không kém là Agribank. Việc tăng vốn của nhà băng này gắn chặt với tiến trình cổ phần hoá, trong khi tiến trình này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc từ khâu định giá doanh nghiệp cho tới việc tìm cổ đông chiến lược. Do chậm cổ phần hoá nên Agribank có vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước.
![]() |
Các NHTM nhà nước đang có nhu cầu tăng vốn cấp thiết |
Dùng tiền ngân sách?
Hệ luỵ từ thiếu vốn đang hiện hữu tại các ngân hàng, đặc biệt là NHTM nhà nước. Điều này không chỉ làm giảm sức tăng trưởng, giảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do phải thu hẹp quy mô tín dụng của các ngân hàng, mà từ đó ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách nhà nước do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Tại nhiều hội nghị của ngành ngân hàng gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bày tỏ sự sốt ruột với vấn đề tăng vốn của 4 "ông lớn" này và cho rằng nếu không tăng vốn cho các NHTM nhà nước sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Vừa qua, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN đã đề xuất được phép sử dụng nguồn cổ tức nhà nước năm 2018 để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp vào ngân sách.
"Khả năng tăng vốn càng cao thì hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ càng tăng lên", ông Tú nói.
Tuy nhiên, để thực hiện được phương án tăng vốn này, giới chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu, sửa đổi một số điều tại Nghị định 32/2018 NĐ- CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM, ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc.
Quy định này đang là rào cản khiến các ngân hàng nhiều lần đề xuất Bộ Tài chính cho trả cổ tức bằng cổ phiếu, song cơ quan này đã từ chối và yêu cầu phải trả bằng tiền mặt để nộp ngân sách nhà nước.
Bình luận về đề xuất của NHNN, một chuyên gia cho rằng ngân sách nhà nước hiện còn nhiều khó khăn, phải đầu tư nhiều lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, nên về nguyên tắc phải hạn chế chi. Tuy nhiên, ngân sách cũng nên đầu tư vào chỗ nào sinh lời, giải quyết quốc kế dân sinh, mang lại quyền lợi cho xã hội.
Dưới góc nhìn đó, chuyên gia này phân tích: các NHTM nhà nước chiếm phần lớn thị phần trong hệ thống ngân hàng, mà phần lớn các ngân hàng này có tỷ lệ sinh lời/đồng vốn cao, làm lợi cho ngân sách nhiều, vì thế nên khuyến khích đầu tư vào.
Tuy nhiên, việc dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ ở NHTM nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc tăng vốn nhưng không tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước. Ngoài ra, việc sử dụng ngân sách nhà nước phải có kiểm toán, báo cáo, xét duyệt, lộ trình chặt chẽ, không thể làm sơ sài.
Hoàng Hà