Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong chiến lược phát triển mới của ngành ngân hàng, một trong những yếu tố then chốt và quan trọng nhất để các ngân hàng đạt mục tiêu đó là phải có vốn mạnh. Đây là trụ cột tăng trưởng cho ngân hàng trong mọi hoạt động. Tiếp đến là chất lượng tài sản tốt, công nghệ kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao...
Với tiềm lực mạnh và nguồn vốn chủ sở hữu lớn, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đang có khả năng tăng mạnh vốn điều lệ vượt qua nhóm ngân hàng quốc doanh. |
Vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ đổi ngôi?
Dự kiến từ nay đến cuối năm, hàng loạt ngân hàng sẽ bước vào đợt tăng vốn điều lệ theo kế hoạch được thông qua trước đó. Chẳng hạn MSB vừa công bố ngày chốt quyền trong tháng 10 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, giúp tăng vốn điều lệ lên mức 15.275 tỷ đồng.
Tương tự, việc hoàn thành thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất ngành ngân hàng, là bước đệm để VPBank thực hiện kế hoạch tăng vốn "khủng" được thông qua từ phiên họp thường niên đầu năm.
Tính đến hết quý III/2021, vốn điều lệ của VPBank gần 25.300 tỷ đồng. Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất việc phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu thưởng để nâng vốn điều lệ lên 45.000 tỷ đồng. Khi đó, VPBank sẽ trở thành nhà băng có quy mô vốn đứng thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau VietinBank.
Không chỉ có ngân hàng TMCP, các ngân hàng quốc doanh cũng dồn dập tăng vốn trong năm nay. Cụ thể, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2021. Vietcombank được chấp thuận bổ sung thêm 7.657 tỷ đồng. VietinBank cũng đã được đồng ý bổ sung hơn 6.977 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. Dự kiến vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 8.304 tỷ đồng, tương đương cao hơn 20,6% vốn điều lệ đến cuối năm 2020. Sau đợt này, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên mức 48.524 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, trong thời điểm này, các ngân hàng trở thành trụ cột trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 của Chính phủ, nên rất dễ bị tổn thương khi khách hàng vay tiền của ngân hàng, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thách thức sẽ còn lớn hơn khi những khoản nợ xấu tiềm tàng vì làn sóng dịch bệnh đang diễn ra, hiện vẫn chưa được thể hiện trên báo cáo tài chính trong 9 tháng của năm 2021. Dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3-2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 (khi mà các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14 hết hiệu lực).
Nguồn: Theo báo cáo tài chính quý III/2021 của các ngân hàng. |
“Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỉ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II”, báo cáo World Bank nhận định.
Chuẩn bị chu kỳ tăng trưởng mới
Tuy nhiên, ở nhiều ngân hàng tư nhân, việc mạnh tay tăng vốn gần đây cũng mở ra cơ hội cho chu kỳ tăng trưởng mới. Nhiều ngân hàng có vốn điều lệ khá cao nhưng vẫn đưa ra tham vọng lọt vào top đầu ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Như trường hợp của VPBank đặt mục tiêu vốn điều lệ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Nhiều ngân hàng khác cũng bắt đầu đặt mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, với tham vọng chung là mở rộng hoạt động bán lẻ, cải thiện khả năng quản trị ngân hàng và tất cả đều dựa vào sự đổi mới về công nghệ. Để làm được điều đó bắt buộc ngân hàng phải có nền tảng vốn đủ mạnh cùng chất lượng tài sản, quản trị rủi ro tốt.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh sẽ hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt.
"Nền tảng vốn lớn sẽ nâng cao khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh và khả năng phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn", lãnh đạo nhà băng khẳng định. Hệ số an toàn vốn của VPBank (CAR) dự kiến tăng lên 17% - nhóm cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Và với "tấm đệm rủi ro" dày lên, VPBank sẽ có thêm nhiều dư địa để tăng trưởng, về tín dụng, hoặc chấp nhận một mức khẩu vị rủi ro cao hơn.
Quan điểm của lãnh đạo VPBank cũng trùng với những đánh giá của thị trường về triển vọng ngân hàng. Nguồn lực từ thương vụ bán vốn FE Credit sẽ giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng có bộ đệm vốn dày nhất hệ thống. Đồng thời, đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng này nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng sau khi đạt Basel II đã chuẩn bị cho bước áp dụng các chuẩn mực cao hơn trong Basel III như TPBank, VIB, MSB… Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, Basel III là động lực cũng như nền tảng vững vàng để ngân hàng đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và tính bền vững, chất lượng trong hoạt động, ngăn chặn, hạn chế tổn thất nếu có ở mức thấp nhất.
Thanh Hoa