Theo đó, ngân hàng muốn phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. Ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông là 22/11. Thời gian thực hiện lấy ý kiến cổ đông từ 24/11 - 4/12.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn tham vọng. Theo đó, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.
Tính đến cuối năm 2020, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV chỉ ở mức 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. |
Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngân hàng cũng dự kiến chào bán thêm 8,5% vốn phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2020, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV chỉ ở mức 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Do đó, việc chào bán cổ phần riêng lẻ và chia cổ tức bằng cổ phiếu với BIDV là rất cấp bách.
Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các cơ quan về các vấn đề trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ mới đây, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV cũng mong muốn Quốc hội và các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020 tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có đề cập việc tăng vốn là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay: "Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước là rất cấp thiết. Đặc biệt, trong thời gian tới khi các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41/2016 và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại".
Theo đó, tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 159,6 nghìn tỉ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỉ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 nghìn tỉ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 nghìn tỉ đồng.
Để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 ngân hàng trên đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2021. VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại.
Cách đây không lâu, Vietcombank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019. Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên của Vietcombank sau 10 năm kể từ lần đầu tiên kể từ năm 2011. Cụ thể, Vietcombank tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỉ đồng thông qua 2 cấu phần. Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1,02 tỉ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền mặt. Sau phát hành, vốn điều lệ tăng thêm 10.236 tỉ đồng lên hơn 47.325 tỉ đồng. Thứ hai là phát hành riêng lẻ quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ để tăng vốn thêm hơn 3.000 tỉ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỉ đồng.
Còn VietinBank cũng đã giải được "nút thắt" về vốn sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức hồi tháng 7 vừa qua.
Các chuyên gia đánh giá, trong thời điểm này, các ngân hàng có vốn nhà nước trở thành trụ cột trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 của Chính phủ, nên rất dễ bị tổn thương khi khách hàng vay tiền của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, trong thời gian từ 15/7 đến hết tháng 9, tổng tiền lãi vay đã giảm của “Big 4” là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là 10.178 tỷ đồng. Trong đó, Agribank giảm lãi nhiều nhất là 4.885 tỷ đồng; BIVD là 1.901 tỷ đồng; Vietinbank: 1.417 tỷ đồng; Vietcombank: 1.975 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc BIDV, Vietcombank,VietinBank được Chính phủ cấp vốn, hay trước đó là Agribank được Quốc hội đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ là rất cần thiết giúp các ngân hàng tăng năng lực tài chính, giúp các ngân hàng có “gối đệm” để chống đỡ tốt hơn với những rủi ro.
Thanh Hoa